Về phép nhân hóa trong viết lách

Mới gần đây, bạn lớp 5 nhà mình có đề bài tập làm văn, mà mình diễn nôm ra thế này: Đóng vai một nhân vật trong một truyện cổ tích em thích để kể lại chính câu chuyện đó. Bạn ấy có loay hoay, trước hết là chọn truyện trong một danh sách miệng được liệt kê khá phong phú (vì bạn ấy đọc khá nhiều), rồi lại tìm tư liệu, thấy lôi ra Truyện cổ tích Việt nam và Sử ta chuyện xưa kể lại _tập 1 _ thời huyền sử(vì khi viết, cần tìm một cái cớ để vào để, cái này mình tự suy ra từ bản thân). Ban đầu bạn ấy định chọn làm nhân vật phụ là Voi chín ngà, trong sính lễ mà Vua Hùng đòi hỏi khi tổ chức cuộc thi kén rể, để kể về Sơn Tinh _ Thủy Tinh. Bạn ấy nói con thích đóng vai các con vật. Kể ra cũng khá thú vị, nhưng rồi, có vẻ khó, nên lại thấy đóng vai Sơn Tinh kể chuyện. Mấy hôm sau, thấy khoe cả nhà là bài của con được cô đọc to cho cả lớp nghe, vì chẳng giống bài của bạn nào trong lớp. Mình đọc lại thì đúng là văn của con, ngô nghê đấy nhưng cũng khá hấp dẫn. Khách quan thì giọng văn lớp 5 thế này là hơi non, câu cú còn chưa chuẩn chỉnh, từ ngữ cũng chưa thật mượt mà. Thế nên con mới cần Tập làm văn. Bởi vậy mà mình cũng vẫn vui lắm.

Kể ra, đến đây, câu chuyện của mình vẫn chưa liên quan lắm đến tựa đề bài viết. Lại thêm câu chuyện của riêng mình khi bản thân cũng muốn nhân cách hoá đời sống của các loài vật, để chuyển hoá nội dung chuyên ngành mà mình phụ trách, cho các bạn nhỏ dễ dàng tiếp cận hơn. Mình luôn ở thế loay hoay, và thấy khó vượt qua ranh giới giữa cái hư và thực, để thể hiện ý đồ.

Thế nên, hôm qua, khi nhận được cuốn GẤU POOH XINH XẮN, sách mới của Nhã Nam, cảm giác tự nhiên, khoan khoái ngập tràn khi được bước từ thế giới đồ chơi đến khu rừng tuyệt diệu của các bạn Gấu, lợn, voi, ong, lừa.v..v…v.v.v. Sao nhẹ nhàng thế, đẹp đẽ thế và gần gũi nữa. Các bạn hoà vào cuộc sống của loài người một cách rất tự nhiên.

Các tác phẩm nước ngoài họ làm rất tốt điều này. Có thể kể điến Miền dâu dại, Charlott và Winer, Thỏ Peter, Tiếng kèn thiên Nga, Chuyện rừng, Bác sỹ Aibolit.v.v.v..Trí tưởng tượng và lối kể chuyện bậc thầy cùng bút pháp điêu luyện như không của các Nhà văn thật sự nể phục. Và cũng không thể không kể đến vai trò của các dịch giả đã chuyển ngữ rất tốt những tác phẩm hay!

Quay trở lại Gấu Pooh, một nhân vật đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các bạn nhỏ, từ các câu chuyện tranh ngộ nghĩnh, thú nhồi bông, cặp sách áo phông in hình Gấu, Balo hình gấu.v.v.v.v, nhưng có lẽ các bạn chưa được gặp nguyên mẫu chú Gấu xinh xắn này.

Gấu Pooh xinh xắn dành cho các bé mầm non vì đó là những câu chuyện vui vẻ, tươi sáng bước ra từ thế giới đồ chơi của các bé; cũng lại dành cho các anh chị cấp Tiêủ học vì đó là những lời văn ngộ nghĩnh, chau chuốt với lối nhân hoá được sử dụng tự nhiên như không, mở ra một thế giới diệu kì; cũng dành cho tất cả mọi người yêu quý gấu Pooh, lắng nghe những câu chuyện kinh điển về nhân vật dường như có mặt khắp nơi nơi trong cuộc sống loài người.

Hãy đọc để cảm nhận tác phẩm kinh điển, nguyên mẫu của rất nhiều các tác phẩm sau này.

Đọc để luyện lối viết nhân hoá gần gũi, trong sáng đến vô ngần từ tác phẩm.

Xin chia sẻ với các gia đình.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.