Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

“Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

Hình ảnh chiếc lá rơi nghiêng rất đẹp, không biết có phải các tác giả lấy cảm hứng từ tứ thơ trên hay không, cùng xuất hiện trong cả hai tác phẩm mà vô tình mình cùng đọc đợt này.

Thật đẹp!

Cả hai đều có những trường đoạn, những câu văn miêu tả, và từ gợi cảm gợi hình đắt giá, song hành cùng những tình tiết xoay quanh các tuyến nhân vật. Độc giả có cảm giác đang đọc một áng văn chương đích thực, đôi lúc ngây người, đôi lúc “say”, còn lại đều hân hoan vui sướng trước cái đẹp, của thiên nhiên, của con người, của những tấm lòng và của những tài năng!

Cả hai đều thủ thỉ kể những câu chuyện mà qua đó, đều cho thấy vai trò quan trọng của giáo dục gia đình trong sự hình thành nhân cách, tâm hồn và tri thức cho một con người. Chuyện xưa, chuyện nay, mà giờ vẫn thấm thía.

Cả hai đều thuộc dòng Tiểu thuyết lịch sử, dòng sách mình đắm đuối!

Ấy là BÚP SEN XANH của Nhà văn Sơn Tùng, và NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI của Nhà văn Lê Phương Liên. Rõ ràng hai nhân vật chính, hai câu chuyện, hai thời đại, chẳng có gì liên quan đến nhau; vậy mà, mình lại có cảm giác tương đồng, nhưng chưa thật rõ ràng.

Đến khi đọc được bài chia sẻ rất hay của Nhà văn Lê Phương Liên về ảnh hưởng sâu sắc của Bà đến từ tác phẩm vừa tròn 40 tuổi, một tác phẩm vô cùng xúc động về giai đoạn từ khi sinh ra đến khi xuất dương của vị Lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, mà Bà chính là Biên tập viên đầu tiên của cuốn sách, trong quá trình viết về chân dung “đẹp không tì vết” của Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, mình thấy mọi thứ sáng tỏ!

Mình mạo muội đưa ra những ảnh hưởng đó như sau:

Thứ nhất, đó là tinh thần lao động nghiêm túc, miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa, đích thực như những con tằm “rút ruột nhả tơ”! Bởi có thế các tác giả mới kết nối, truyền tải được cả chồng tài liệu khô khan, những thành những áng văn đẹp, chân thực, xúc động lòng người.

Thứ hai, trong quá trình sáng tạo, Nhà văn rất chú trọng đến bút pháp miêu tả. Câu, từ được chắt chiu, long lanh như những viên ngọc sáng. Ai đã từng viết, mới biết, khi trôi trong mạch thông tin và tình tiết dồn dập, phải điêu luyện lắm mới neo lại được những xúc cảm về cảnh sắc thiên nhiên, biến nó trở thành công cụ để tôn lên ý chính đang diễn đạt.

Cái hay là cả hai đều không hề lên gân cốt, cứ nhẹ nhàng và tự nhiên như thế, suối chữ chảy dài, chảy mãi, thấm vào ngóc ngách mỗi tâm hồn bạn đọc, trong trẻo như thảm hoa sưa tháng 3 Hà nội, khiến ai cũng thổn thức, đắm say!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.