Tiền từ Hitler (Tiếp)

TIỀN TỪ HITLER

Tác giả: Radka Denemarková _ Dịch giả: Hau Phamová
Văn chương phải nói lên sự thật, và luôn đứng từ góc độ Con người, không sắc tộc, không chính trị; sự công bằng (tôi hiểu là lẽ phải) phải được tôn trọng; và chiến tranh là tàn khốc, là phi nghĩa, vì người chịu thiệt thòi nhất luôn là những người dân thường; Nhà văn phải dũng cảm và không khoan nhượng trước mọi điều phi lý và tội ác.

Đâý là toàn bộ ý của Nhà văn Radka chia sẻ trong buổi toạ đàm online tối qua về tác phẩm đầu tay của Bà mà tôi cảm nhận được. Tác giả đã viết trong vòng 5 năm, cách đây hơn chục năm; tác phẩm mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2021 là ngôn ngữ dịch thứ 23 . Sắp tới sẽ là bản dịch thứ 24, tiếng Uckraine. Vì sao tác phẩm được độc giả đón nhận đến như thế?

Tiêu đề, ở tác phẩm này, không phải là ngọn đèn hải đăng dẫn dắt toàn bộ mạch truyện, mà được hình thành trong quá trình tác giả sáng tạo. “Chuyến đi điên loạn” đẫm máu và nước mắt của một cô gái Do Thái, nguyên do cũng là “tiền của Hitler”, mớ tiền bồi thường vì đã gây ra thảm hoạ diệt chủng người Do Thái với những trại tập trung, lò hơi ngạt, gây ra những cái chết thương tâm và hệ lụy đau đớn. Rita là một biểu tượng để nói lên một góc khuất nữa ít được khai thác trong cuộc thảm sát khủng khiếp này.

Đó chính là cái quay lưng đầy căm phẫn, mất hết nhân tính của những con người ở lại, phía bên kia chiến tuyến với Đức. Cái mu muội và thú tính, mà không, có lẽ là lòng tham về vật chất, đã khiến họ coi bất kì ai dính dáng đến phát xít đều đáng bị đối xử tệ hại, kể cả những nạn nhân khốn khổ còn mấy mắn sống sót, người mà giá đình họ xưa kia đã yêu thương, dìu dắt, đem lại cuộc sống ấm no cho biết bao người. Rùng mình tôi nghĩ đến vấn nạn cải cách ruộng đất của nước ta cùng thời kì. Đó là tội ác, là thú tính, không phải hành động của con người.

Rita, cô gái Đó thái 16 tuổi, trở về từ trại tập trung của Đức quốc xã, và trở đi trở lại 6 lần về quê hương cho đến khi chết, để đòi lại những gì là của gia đình xưa kia. Lần đầu tiên, tâm hồn non nớt, yếu đuối và run rẩy ấy chỉ mong có được sự đón nhận cảm thông, yêu thương của những con người thuộc về nơi cô đã sinh ra, lớn lên và hạnh phúc. Nhưng sự thật phũ phàng. Cô đã bị từ chối thẳng thừng và thảm khốc, sống trong đoạ đầy và thống khổ cùng cực. Những lần sau đó, khi đã trở thành bác sỹ, liệu Rita có đòi lại được công lý cho gia đình mình. Theo tôi, đây chính là góc khuất về sự tàn ác của chiến tranh, của lòng người, ít được đề cập hoặc có nhưng thường bị che giấu, nên ít người biết tới. Mà điều này mới thực sự là nỗi nhức nhối, xót xa, vì đơn giản, nó là phần bản chất của con người, là lẽ phải, là thứ ngôn ngữ không biên giới, không thời gian!

Về cách lặp đầu _ cuối một tuyến nhân vật phụ như một sợi dây xuyên suốt cho tác phẩm, cũng nằm trong bút pháp tạo ấn tượng mạnh với độc giả để thu hút ngày từ đầu.

Câu chuyện công phu của dịch giả cũng mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi, sâu sắc. Càng hay hơn khi Tác giả có đưa ra một hình ảnh ví von mà MC Phạm Xuân Nguyên có phân tích thêm, đó chính là nguyên lý trong dịch thuật: Dịch giả với tác phẩm giống như người tình. Nếu chung thủy thì không đẹp; mà đẹp thì khó chung thủy. Thật dí dỏm!

Đôi bông tai mà tác giả Radka đeo trong buổi toạ đàm về tác phẩm có hình con chim én. Mà chim én nghĩa là có sự trở về, bà giải thích như vậy. Và thực tế là, tác phẩm khi ra đời đã chịu nhiều công kích từ phía chuyên gia, học thuật trong và ngoài nước, nhưng tác giả bỏ qua các vẫn kiên định với những gì muốn nói. Bà cũng cho rằng, cuộc chiến Nga _ Ukraine hiện tại cũng không khác gì những điều trong tác phẩm của bà, và thực tế, bà đang rất bận rộn để chăm lo cho những người dân tị nạn Ukraine hiện đang ở Séc, quê hương bà.

MC Phạm Xuân Nguyên có tiếp nối rất hay, cánh én ở Việt Nam còn là biểu tượng của mùa xuân, của tình yêu và sự nảy nở. Điều đó cho phép độc giả thoả mong ước với dòng văn học Séc, dự án mà Đại sứ quán Séc tại Việt Nam và NXB Phụ Nữ đang ấp ủ.

Chân thành cảm ơn chị Hoa Phượng , NXB Phụ nữ đã liên tiếp tổ chức được những buổi toạ đàm giá trị với những đầu sách thật hay.

Hà Nội ngày 26.3.2022

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.