Thời gian chất lượng bên con

Mình đã cố gắng, nhưng Bo Bống đôi khi vẫn thốt lên: mẹ suốt ngày cắm mặt vào mắt tính thôi, con không thích mẹ làm thêm sách!

Thực sự, đó chính là thách thức của mình. Khi các con đã cứng cáp, mình nhận thấy cần phải gia tăng thêm thu nhâp vì nhiều lý do. Và thật may mắn, khi việc tay trái đó lại thoả được đam mê, thì không có lý do gì mà không làm.

Nhưng, chính xác là, thời gian cho bọn nhỏ bị giảm hẳn, vì một ngày đâu có cho ai nhiều hơn 24 tiếng?

Mỗi mẹ sẽ có môt cách khác nhau. Còn đây là cách của mình, mình đã cố gắng và biết là vẫn sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa.

Đầu tiên, khi không thức được muộn, vì luôn muốn được đọc sách và cùng các bạn ấy đi vào giấc ngủ, và cũng vì thói quen từ hồi bé là luôn ngủ trước 10h, thì mình phải dậy sớm. Dậy sớm để đọc sách và sắp xếp công viêc trong ngày. Thường là 4h sáng mình sẽ bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, một thời gian dài như vậy, mình có cảm giác không ổn về sức khoẻ, đầu óc quay quay. Chị bác sỹ thân là trưởng khoa C3 Bạch Mai, khám xét, có dấu hiệu của tiền đình, cho ít thuốc và yêu cầu mình ngủ nhiều lên. Rồi, thế là thời gian lại bị ngắn lại. Vòng luẩn quẩn, một số ngày trong tuần phải xin phép các bạn ấy, mẹ làm thêm chút nữa thôi, bố đoc truyện. Chỉ còn cách này mới cân đối đươc mọi thứ.

Tiếp đến là các bữa ăn, mình cố gắng tổ chức ăn uống ở nhà, với sự tham gia và góp măt của đầy đủ các thành viên kể từ khâu chuẩn bị đến dọn dẹp. Qua đó để day bảo nhau và cũng để tăng thêm tình gắn kết. Khoảng thời gian này, hoàn toàn không điện thoại, chỉ mở tin thời sự, không hình ảnh để cả nhà cùng nghe và có thể bàn luận thêm.

Đặc biệt, cứ sáng thứ 7, mẹ con mình thường có chương trình “go out”, cứ xe buýt mà đi, hoặc đi bộ ngay khu Hoàng Quốc Việt. Ngay từ bé, mình đã tha lôi các bạn ấy đi khắp nơi, cứ biết đi là ok rồi. Vì vậy, khả năng lang thang của các bạn ấy tốt, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa ngó nghiêng dạy bảo nhau điều này điều kia, vừa đỡ tốn kém. Cứ trưa là về đến nhà, vê sinh xong là ăn cơm rồi ngủ nghỉ Và khi các bạn ấy say giấc ngủ trưa, chính là lúc mình làm. Và hay hơn nữa là, nhiều khi, nội dung buổi sáng thứ 7, mẹ vừa làm đươc việc, mà vẫn thoả được chương trình chơi. Ấy là những buổi tham gia toạ đàm, triển lãm sách chẳng hạn.

Còn bây giờ, dịch giã, chỉ loanh quanh ở nhà. Các bạn ấy cuồng lắm, mình biết là cũng stress, nên quay sang hờn dỗi với mẹ: lúc nào cũng máy tính. Giải thích về WFH rồi, nhưng đúng là, vẫn có khoảng thời gian lẹm vào thời gian chơi vốn quen thuộc của các bạn nhỏ, nên hôm nay, mình đã quyết tâm khôi phục lại khoảng thời gian “cấm xâm phạm” của ba mẹ con.

Sáng T7, điện thoại và máy tính hoàn toàn cho nghỉ, để khuất hẳn tầm mắt trong suốt từ khi ngủ dậy đến tận 1h chiều. Ba mẹ con chỉ có chơi và chơi: Vận động ngoài chời, Cờ lịch sử, đường đua tài chính, đánh cầu giấy trong nhà, nấu ăn và xem phim.

Chiều, lại vòng xoay, gãi lưng, mát xa lưng, mặt các kiểu, rồi lại vận động ngoài trời. Thưc sự là mong đến 6h bố về lắm để bàn giao. Và như cả nhà thấy, bấy giờ, khi 3 bố con đang thư giãn với phim hay cuối tuần, mẹ cháu mới đươc thư giãn với cái laptop thân thương, để soạn bài, để chia sẻ giãi bày đôi chút.

Đươc chứng kiến sự thay đổi hàng ngày của các con cả về thế chất, tư duy lẫn cảm xúc, là điều may mắn và hạnh phúc của bất cứ ông bố bà me nào. Thế nhưng, niềm hạnh phúc này rất cõ thể bị lý do bận rộn phá ngang. Trong khi, bọn trẻ thư giãn nhất khi đươc nghe mẹ đọc sách, me gãi lưng, bố chơi đùa với chúng, mà không có cái điện thoại phá ngang; trong khi, thời gian thì vèo vèo, tuổi thơ của bọn nhỏ vụt qua lúc nào không hay ấy!

Và đúng là, mình cũng sẽ thư giãn khi thực sự chơi với trẻ. Để sau đó, mình sẽ làm viêc hiệu quả hơn.

Nhưng, để yên tâm thực hiện cam kết CHƠI THỰC SỰ VỚI CON ấy, không đơn giản. Rất muốn lắng nghe thêm những chia sẻ khác của các gia đình.

Thân thương,

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.