Sử ta chuyện xưa kể lại tiếp tục hành trình

Một kỉ niệm đẹp trong tuần lễ Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 8

Điểm đến lần này của SỬ TA CHUYỆN XƯA KỂ LẠI là Trường Cấp 2 Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, một ngôi trường có số tuổi lên đến 65 năm! Có lẽ vì lí do đó, cho nên, BGH Nhà trường luôn chú trọng bồi đắp những giá trị lịch sử cho các thế hệ học sinh của mình, bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví như trong hoạt động lần này, các cô đã lắng nghe chăm chú ý tưởng triển khai; trực tiếp phối hơp chặt chẽ với Dự án Sách nhà mình dưới sự bảo trợ của Kim Đồng ngay từ khâu lên kịch bản, đến khi chương trình diễn ra; trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối ý kiến chuyên môn từ Dự án cũng như Nhóm Chuyên gia. Đó quả thật là điều vô cùng đáng trân trọng. Và kết quả là, chương trình diễn ra tốt đẹp, nhỏ gọn nhưng đã truyền tải hết nội dung chính với mức độ tương tác cao, chất lượng tốt.

Sau phần văn nghệ mở màn sôi động, khoảnh khắc Chào cờ nghiêm trang mang đến một khí thế thật thiêng liêng, xúc động! Tiếp sau đó là hoạt động sân khấu hoá của các em học sinh lớp 6A5 giới thiệu về cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam, rất ấn tượng. Thực sự, Dự án Sách nhà mình không đánh giá cao về hiệu quả của hoạt động sân khấu hoá. Vì giới thiệu cuốn sách, nhưng có thể, bản thân chính các em chưa đọc cuốn sách đó, mà các em chỉ diễn theo kịch bản đã có sẵn. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực là cứ khơi gợi, để trong số hơn 1000 em ở đây, sẽ có một vài em tìm đến cuốn sách vì vài lí do nào đó, nhờ hoạt cảnh này…Hay đơn giản, chỉ là thêm một hoạt động để các em tăng tính hoạt động cộng đồng, đến gần hơn với văn chương, sách vờ, tạm xa rời điện thoại thông minh..v.v.v.v.Vậy thì cũng nên làm. Và tuyệt hơn nếu khuyến khích các em đọc, dựng kịch bản và diễn xuất. Trong buổi giao lưu, Tác giả Nguyễn Huy Thắng cũng gợi mở một vở kịch về “Chiếu dời đô” cho thầy và trò trường Dịch Vọng. Hi vọng về một ngày vở kịch được hiện thực hoá!

Tiếp mạch Hà Nội, chương trình dẫn các em đến với phần chơi Giải đáp ô chữ, từ đó tìm ra tên một bộ sách được giới thiệu trong hoạt động trọng điểm. Cũng có chút gay cấn, làm nóng thêm sân trường, nhưng điều đó mới thật đúng là tuổi học sinh. Cứ hồn nhiên, nghĩ gì nói đấy, sai thì tìm tiếp, đến khi, lại có đáp án trước khi đi hết cả quảng đường. SỬ TA CHUYỆN XƯA KỂ LẠI được một bạn gái xúc động đọc to, hoàn toàn chỉ bằng khả năng phán đoán ngôn ngữ, chứ chưa hề biết đến bộ sách này bao giờ.

“Môn Sử có khó không? Có khô khan không?” Những câu hỏi phá băng ban đầu được MC hỏi toàn thể các bạn học sinh, và câu trả lời gần như đồng thanh “có ạ”. Thế điều đó có thật như vậy không? MC tiếp tục khéo léo dẫn các em vào hoạt động trọng điểm với 10 câu hỏi, đặc biệt là sẽ có lời giải đáp và tương tác trực tiếp từ một trong ba Tác giả của bộ sách quý nói trên.

Nhìn toàn cảnh chương trình, bạn sẽ thấy tính tương tác tốt đến thế nào! Chuyên gia say sưa trả lời, gợi mở, hay đơn thuần là kể những câu chuyện về Hà Nội, từ góc nhìn của Lịch sử xã hội – là các triều đại nối tiếp từ Lý, Trần, Lê, đến góc nhìn của lịch sử văn hoá – là cái miếng ăn, nét mặc của người Hà Nội (phở, cốm làng Vòng, áo dài).v.v.hay các công trình văn hoá (Văn miếu Quốc tử giám), hoặc các trào lưu, các phong trào văn hoá như Tự lực văn đoàn…

Chúng tôi muốn cùng các bạn nói rằng, lịch sử là một mảng kiến thức vô cùng quan trọng cho mỗi cá nhân, mỗi dân tộc. Nhưng, lịch sử “có tầng tầng lớp lớp các dữ kiện, liệu chúng ta có cần phải nhớ không, trong khi hiện nay, các công cụ hỗ trợ như Internet rất sẵn sàng”. Như lí do ra đời của bộ sách quý này, được Đồng Tác giả Nguyễn Huy Thắng chia sẻ ngay từ đầu chương trình, và cũng viết rất rõ trong Lời nói đầu của bộ sách, xin được trích dẫn:

“Bộ sách này chính là điều chúng tôi muốn nói với bạn rằng, Lịch sử – đó cũng chính là cuộc đời – cuộc đời được ghi lại với những dấu ấn đặc biệt của một dân tộc, một đát nước, và của những con người, tất nhiên là những con người lịch sử.

Và như vậy, học lịch sử cũng chính là đọc về cuộc đời. Với mỗi trang sử là một câu chuyện về đời trước, mỗi nhân vật là một đại diện tiêu biểu của đất nước thuộc các thời kì, qua đó bạn có thể cảm nhận được niềm vui sự tự hào về tổ tiên, nỗi đau đớn, xót xa trước những tai hoạ của đất nước, những bài học rút ra cho hậu thế mai sau…

Đắm chìm với những câu chuyện ấy, bạn sẽ có được một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, tìm tòi, khám phá tiếp, từ những điều đã có ghi trong sách sử đến những chuyện còn đang gây tranh cãi, khiến chính bạn cũng muốn tham gia…”

 

Đó cũng chính là lý do, SỬ TA CHUYỆN XƯA KỂ LẠI sẽ còn tiếp tục được đưa đến nhiều mái trường, nhiều ngôi nhà khác nữa, và khai thác ở các góc độ khác nhau, mở dần dần cánh cửa thời gian, để mỗi bạn đọc lại đến được một miền đất mới!

Xin chân thành cảm ơn Nhóm tác giả bộ sách và NXB Kim Đồng đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng Dự án Sách Nhà mình!

Cảm ơn sự đón nhận, tin tưởng và hợp tác tốt đẹp của thầy cô giáo và học sinh trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội.

Chúng tôi sẵn sàng đi đến các trường học, tổ chức, cộng đồng dân cư để lan toả những bộ sách quý, trong đó, SỬ TA CHUYỆN XƯA KỂ LẠI là một trọng tâm!

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.