Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề

Thông cáo báo chí về tác giả và tác phẩm không thực sự thu hút tôi đến với “Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề”, mặc dù, như các bạn biết, tôi say mê dòng Hồi ký, hồi ức!

Nhưng nhờ có một chi tiết liên quan đến một nhân vật trong ngành mà tôi hân hạnh có một vài lần được tiếp xúc và nghe chuyện – Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ xây dựng, cấp trên trực tiếp của tác giả cuốn sách tôi đang nói tới, đã khiến tôi quyết định đọc để hiểu thêm về họ, những Kỹ sư, những Kiến tạo trong ngành kiến trúc đô thị, xây dựng Việt Nam.

May sao, cú huých đó đã đưa tôi đến với những trang hồi ức về một thời kỳ không thể quên của đất nước, chỉ mới gần đây thôi, thấm đẫm tính văn chương, lòng nhân ái, thông qua những câu chuyện thật của những con người bằng xương bằng thịt, kết nối với nhau đến 4, 5 thế hệ, quá khứ chồng quá khứ, hiện tại, rồi lại cả tương lai.

Hẳn là vì Tác giả đã từng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn chương đích thực trong suốt nhiều năm liên tục, bên cạnh công việc chính của mình.

Hẳn là do đây là Tác phẩm được Tác giả viết lại để các cháu của mình hiểu rõ hơn về các thế hệ trước chúng, những đứa cháu lai hiện không có sinh sống tại Việt Nam.

Vì thế nên độc giả may mắn được đắm chìm vào thế giới tuổi thơ ngập tràn sắc màu của cậu bé Phê trên quê hương Quảng Bình, nhuốm màu cổ tích với súng đạn thời chiến tranh! Và thật nhiều điều khác nữa…

Bạn đọc sẽ không thể không ấn tượng với dãy núi Trường Sơn hùng vĩ với các sắc xanh hằn sâu kí ức, đến mức sau này ảnh hưởng rõ rệt trong các công trình kiến trúc của ông; với nước sông Nhật Lê “mặt chát và trong vắt”, đến mức khiến cậu chàng hoang mang vì không biết màu phù sa của sông Hồng có mâu thuẫn gì với nước sông hay không nữa, với những cánh rừng rậm có nhiều cây gỗ quý, những buổi đi rừng cùng với cụ già thông thái hàng xóm, với những trận gió Lào hôi hổi đến xém da xém thịt, với những buổi đánh cá trên sông bên cạnh những Hạm đội Hải quân của đế quốc..v.v.v..Những câu văn, đoạn văn tả cảnh rất đẹp, rất thơ dẫn dắt độc giả tiếp tục với dòng kí ức dài bất tận của tác giả, một cách say mê thực sự. Bọn trẻ con ngày nay sẽ không thể hiểu và có được trò cầu trượt trên thân cá voi, hay xem thổi thuỷ tinh, hoặc chỉ vì ham mê câu cá mà tự làm cần từ khi chẳng có gì, hoặc mạo hiểm hơn là cứu được một chú gà con từ cái quặp chắc chắn của diều hâu, nuôi nó lớn lên, yêu thương nó, để đến nỗi sau này không dám ăn thịt gà.v..vv..

Ấn tượng đó còn là một gia đình đã “lớn dần lên” mà khi cậu bé Phê còn mải “lang thang suốt ngày ngoài bờ sông Nhật Lệ”, có thật nhiều điều đáng ngưỡng mộ. Bà ngoại xứ Huế dường như là cả một kho tàng chuyện cổ, cùng nét tinh tế chu toàn trong từng bữa ăn “với đôi bàn tay dịu dàng” “đã vỗ về, uốn nắn và nuôi dạy tất cả mấy anh em chúng tôi nên người”. Bố mẹ của ông đều là những nam nữ sinh ở những ngôi trường danh tiếng của Huế, sau lại công tác trong ngành Giáo dục ở các vị trí, nên cách dạy con trong cuộc sống có phần khắc nghiệt của chiến tranh, vẫn đảm bảo kiến thức học thuật, tính nhân văn và chất thơ, để đảm bảo những đứa con ấy đã lớn, khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Hai người con lớn đều tham gia quân ngũ. Có người con trong số ấy cũng đã quên thân mình vì sự nghiệp chung của dân tộc! Những người còn lại đều có những đóng góp thực sự cho đất nước.

Những kí ức của ông về cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, chân thực, nhiều điểm mới mẻ mà có thể bạn chưa hoặc không tìm thấy dược ở “bất kỳ cuốn chính sử nào.

Bước chân của ông “Không chỉ Đồng Hới, Hưng Yên, Hà Nội hay những miền quê khác của Việt Nam”, mà bước chân ấy còn vươn tới đến các quốc gia khác trên thế giới. Bằng lối tư duy của một Kỹ sư, kết hợp với tâm hồn của một Nhà văn, đươc nuôi dưỡng trong những lời ru, chuyện kể dân gian từ thuở nhỏ, tác phẩm tiếp tục đưa độc giả đến với những khám phá mới về “kiến trúc, hội hoạ hoặc văn học, lịch sử” ở khắp nơi trên thế giới…

Rất đáng để đọc.

Hân hoan bổ sung thêm một cuốn sách quý vào dòng Hồi ức, hồi ký của mình.

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.