Nữ sĩ thời gió bụi

Có lẽ bởi chỉ biết cây bút Lê Phương Liên qua Cây đa nghìn năm và ba đứa trẻ, nên tôi quả có đôi chút ngạc nhiên khi nghe tới cuốn tiểu thuyết dã sử mới ra của nhà văn về “Hồng Hà nữ sĩ” – nhà thơ, dịch giả Đoàn Thị Điểm. Tôi háo hức đọc và thích thú nhận ra rằng, nét tài hoa tinh tế từ một nhân vật cách đây hơn hai thế kỉ rưỡi đã hoà quện một cách tự nhiên, nhuần nhị vào cái tinh tế, nồng ấm, tha thiết của tác giả, một nữ văn sĩ Hà thành. Và đúng là như thế!

Cuốn tiểu thuyết gần 300 trang đã khiến tôi ngẩn ngơ đến tận những dòng chữ cuối cùng, và sự thực là mãi không dứt ra được mạch truyện, nhìn đâu cũng thấy cô Điểm với những tao nhân mặc khách, anh hùng, trượng phu v.v. trên nền một bức tranh đa sắc màu.

Nếu đi theo diễn biến câu chuyện, tức là theo trình tự thời gian, bạn sẽ được gặp cô Thị Điểm từ khi là cô gái bắt đầu bước vào tuổi trăng rằm, “đắm chìm trong từng cử động thân thể, thi hứng trào dâng”, đến khi trở thành con nuôi quan thượng thư “ đằng đẵng nhớ thương đầy ứ đọng trong lòng”, sau đó là cả quãng thời thanh xuân lo lắng, chu toàn việc nhà thay cha, thay anh mệnh bạc, rồi trở thành phu nhân Nguyễn Kiều đảm đương việc nhà, việc làng đằng đăng trong thời gian chồng đi sứ, cuối cùng là thời gian hội ngộ ngắn chẳng tày gang khi dương gian cách biệt… Trong dòng đời xô đẩy đó, biết bao những con người xuất hiện quanh Thị Điểm, quan – dân có, cướp có, thương bệnh binh có, nhân sĩ trí thức, thi nhân mặc khách có, quý tộc kinh kì có, và chẳng thiếu những thị phi, tai ương rất đời! Chính điều đó lại làm sáng rõ chân dung một nữ sĩ tài hoa, đẹp không tì vết.

Nếu đi theo các trường đoạn ấn tượng, không thể không kể đến những lần múa võ của Thị Điểm (một lần một mình, một lần với anh trai Đoàn Doãn Luân – tài hoa bạc mệnh, một lần với người em tri kỉ Hải thượng Lãn Ông, và lần cuối cùng với người Thầy dạy võ – người yêu quý và bảo vệ cô trọn đời); cảnh thư phòng tại tư dinh của quan thượng thư, cảnh cả nhà hạnh phúc đọc cho nhau nghe truyện Tiên trong cảnh bần hàn, cảnh chia tay tiễn biệt người đi sứ, hay đêm bình thơ cùng các tri kỉ trên sóng nước Hồ Tây, v.v.

Còn nếu xét về góc nhìn, góc cảm theo từng thời điểm của độc giả, thì đối với tôi, trong giai đoạn này, nhân vật cô Điểm gây được những ấn tượng mạnh mẽ nhất!

Phải đẹp theo cách riêng mình. Có thể là cái đẹp hình thể, cũng có thể là cái đẹp trí tuệ. Nét đẹp đó khiến chủ nhân tự tin hơn, không dễ bị khuất phục trước hoàn cảnh. Cô Điểm không tự kiêu tự đại nhưng cũng không hề e thẹn, rụt rè giữa chốn cung vua phủ chúa; hay như sau này, buộc phải viết câu đối theo yêu cầu nhưng khen mà không nịnh, v.v. Cả hai tính cách ấy, hai phẩm chất ấy, khéo thay, đã cùng làm nên nét đẹp của cô Điểm, qua ngòi bút đầy ngưỡng mộ nhưng cũng hoàn toàn có sở cứ của tác giả.

Biết yêu thương, vun vén, chu toàn mọi việc cho gia đình trong cảnh bần hàn cũng như giàu sang phú quý. Thực sự, khi đã là một người mẹ của những đứa trẻ, từng trải qua những hoàn cảnh sống khác nhau, cũng chút thăng trầm, tôi càng cảm thấy thấm thía thiên chức thiêng liêng này của người giữ lửa. Cảnh cả nhà quay quần quanh nồi cháo ốc thơm ngon, là khi đói đấy, không có đủ gạo, mà phải ăn cháo, đẹp biết nhường nào! Hay như buổi ăn xôi xéo bữa sáng cùng đàn con cháu và lão bộc, một vài câu khen và lời đề nghị lấy thêm cho người này, người kia, cùng ánh mắt nhìn đầy trìu mến của người làm chủ gia đình, sao mà ấm áp, tinh tế đến thế! Cao cả hơn nữa là sự đồng cảm, tình thương yêu với những mảnh đời éo le trước sự tàn khốc của những trận chiến, người đàn bà ấy đã sẵn sàng gánh vác việc làng việc nước thay chồng. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, cũng là thế này đây!

Nhưng cái hay nhất, tiến bộ nhất, riêng có nhất của Hồng Hà nữ sĩ, đó chính là biết sống cho chính mình! Thật đáng ngưỡng phục, ngưỡng mộ hình ảnh khi trút bỏ vai trò làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình, người đàn bà ấy trở về với cuộc sống viết lách, chữ nghĩa của chính mình. Chắc chắn, những giờ phút đắm say với niềm đam mê của chính bản thân sẽ là động lực làm nên sức mạnh để mỗi con người tiếp tục cáng đáng những trọng trách, vai trò khác trong cuộc sống, đặc biệt khi đó chính là thiên chức của mình.

Và cuối cùng là tình tri kỉ. Đây là mối tình song hành cùng với mối tình lứa đôi, mối tình chồng vợ, gia đình, để tạo nên những thăng hoa cho cảm xúc và sáng tạo cũng như những điểm tựa vững chắc trong dòng đời. Thời nào cũng thế và ai cũng thế! Biết ơn và trân trọng, gìn giữ những mối tình này. Thêm yêu quá tên đường phố Hà Nội, vì sao Đoàn Thị Điểm lại nằm sát Đặng Trần Côn. Tặc lưỡi giá như thêm Lê Hữu Trác ở gần luôn đó, và đương nhiên là thêm cả “soái ca” Nguyễn Kiều….

Nữ sĩ thời gió bụi, vì thế, chỉ có gần 300 trang mãi vấn vương người đọc, với tầng tầng lớp lớp những lát cắt đẹp, khó phai!

Trân trọng cảm ơn tác giả Lê Phương Liên và người giới thiệu cuốn sách, viết lời bạt rất hay khiến tôi hiểu hơn nữa bối cảnh của nhân vật – Người tôi vô cùng biết ơn và quý trọng!

Sách do NXB Phụ Nữ phát hành, tháng 3.2021.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.