Nhà văn độc hành độc bộ

Sự tiếp bước với Thi nhân Việt Nam.

Thú thực là cuốn sách đã bị ngó lơ đã lâu trên giá sách, bởi tên tác giả không thực sự có sức nặng để thuyết phục mình dành thời gian đọc.

Nhưng, thực sự là mình đã lầm. Cuốn sách này gần như là một sự tiếp nối cuốn Thi nhân Việt Nam đình đám một thời; thực sự hữu ích cho môn Văn nghị luận từ cấp 2 trở lên.
Cuốn sách hấp dẫn bởi góc nhìn và cách cảm không một chiều, không hề cứng nhắc, và giúp bạn đọc thấy được những góc khuất trong cuộc sống, trong sáng tác ít người biết đến của những cây bút, để hiểu hơn giá trị tinh thần mà họ để lại.

Ví dụ, viết về Quang Dũng, tác giả có viết thế này ” Có người nói thơ Quang Dũng ít tính thời sự. Nhưng thử hỏi tính thời sự trong thơ là gì? Nó là những con số, những sự kiện? Hay là những cảm xúc, trạng thái của con người mang dấu ấn xã hội trong mỗi giai đoạn? Tây tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua…chẳng đầy tính thời sự đó sao?
…..
Cảnh trong thơ Quang Dũng không phải là cảnh khô cứng, nó có sức sống cuồn cuộn ở bên trong:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát quân dân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùm rơm – khói thuốc – bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoá vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tĩnh mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích.

Trích “Những làng đi qua”

Đây là khổ thơ tài hoa của ông. Ông là người yêu làng quê, hiểu nếp sống và tập tục của người dân các xóm làng. Nùm rơm, đèn chai, cầu ao…Đó là những vẻ đẹp của làng quê thuần Việt. Ở cái làng quê đẹp và yên bình kia, cuộc sống vẫn chảy dồn dập. Dân quân ngoài trạm gác, các cụ bạch đầu quân ngồi bên nùm rơm hút thuốc lào. Cô tự vệ đi tuần về, tay sách đèn chai (thứ đến làm bằng thân cái chai, che gió rất tốt) ra cầu ao khoả chân. Sau cái soi động, dồn dập kia, vẻ đẹp thanh bình của thôn xóm lại hiện ra. Tiếng quả sung chín rơi rụng bên chiến hào. Tiếng bước chân du kích đi về trên ngõ đầy lá rụng. Phải thấm sâu hồn quê, thấm sâu hồn kháng chiến như thế nào, ông mới vẽ nổi bức tranh đẹp và quý như thế”

Qua cuốn sách, bạn sẽ gặp Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lặng lẽ, cặm cũi kiếm ăn hàng ngày, chỉ có thể “nhả tơ” trong đêm khuya và đến 20 năm cuối đời mới khai sinh được cho những đứa con và ngắm trông chúng trưởng thành…

Bạn cũng bất ngờ với Nhà văn khổng lồ, giàu có với hẳn 3 cái máy chữ cùng sức viết khủng khiếp của nhà văn Nghiêm Đa Văn lưu dấu với Sừng rượu thề, nhưng rồi cuộc sống cũng quá nghiệt ngã với tinh hoa…

Rồi cả số phận ngang trái bất hạnh của một trong hai tố nữ của nhà phê bình văn học Hoài Chân lừng lẫy với Thi nhân Việt Nam…

Cả cái long đong lận đận từ thời trai trẻ của Lưu Quang Vũ…

Tất cả những con chữ đều thấm đấm sự trân trọng, cái tình của tác giả với những nhân vật này.
Nhiệt liệt chia sẻ cuốn sách tới bạn đọc, đặc biệt các thày cô giáo dạy văn và học sinh từ cấp 2 trở lên.
Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.