Khi bố tớ biến thành bụi cây

“Khi bố tớ biến thành bụi cây” của Joke Van Leeuwen gợi cho ta liên tưởng đến một phép thuật nhiệm màu nào đó trong cổ tích, liệu ông bố trong truyện có phải là một ảo thuật gia có thể đem lại cho con mình những bất ngờ thú vị hay không?

Ông bố trong truyện chỉ là một thợ làm bánh “giỏi nhất” trong mắt con mình nhưng vì chiến tranh phải rời bỏ lò nướng, từ bỏ thói quen làm “hai mươi loại bánh mỗi ngày” để tham gia vào “phe này” hay “phe kia” mà cô bé cũng không biết. Cô bé chỉ biết khi tham gia vào “phe” nào đó bố mình đã biến thành bụi cây để ngụy trang. Bụi cây sẽ giúp bố em an toàn nhưng cô bé thì không thể biến thành bụi cây như bố, vì vậy cô bé phải đi tìm mẹ ở nơi không có chiến tranh, nơi mọi thiết bị không bị hư hỏng… nhưng chặng đường đi không hề dễ dàng.

Trên đường tìm mẹ, dẫu có đôi lúc lạc lõng sợ hãi, em luôn lấy bà nội – người tình nguyện ở lại trông giữ ngôi nhà cho bố và em – làm niềm tin, luôn coi người bố đang mạnh mẽ ở nơi nào đó ngoài kia làm động lực. Cô bé phải vượt qua khu rừng, những ngôi làng để tìm đến biên giới, bởi phía bên kia biên giới là nơi mẹ em đang sống dẫu rằng chính em còn không hiểu “biên giới là gì, có hình thù ra sao”. Cô bé dựa vào ánh sáng của sao Bắc Đẩu do một người lính chỉ dạy để tìm đường, hướng theo ánh sáng của ngôi sao tìm người mẹ mà mình chưa từng gặp mặt. Trên hành trình ấy, cô bé đã gặp nhiều tình huống khi thì “dở khóc dở cười”, khi thì quá đỗi đau lòng… và gặp nhiều con người có tốt, có xấu.

“Khi bố tớ biến thành bụi cây” cho chúng ta thấy được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh cũng như số phận đáng thương của trẻ em nhưng hơn hết, nó cho ta thấy sức mạnh của tình yêu thương, của niềm tin lương thiện qua nhân vật chính là cô bé với cái tên có 4 chữ “k” mà ai đọc cũng muốn líu lưỡi. Nhờ niềm tin vào bố, tình yêu dành cho bà và kĩ năng sinh tồn của chính bản thân, cô bé đã vượt qua khó khăn để đến với người mẹ mà bản thân chỉ được nghe qua lời kể của bà và bố.

Tác giả Joke van Leeuwen đã dành tình cảm mến thương, trân trọng cho trẻ em qua tác phẩm này. Khi bà đặt mình vào lăng kính của trẻ em, những dòng văn trở nên hồn nhiên, trong sáng, lấp lánh tình yêu thương và cũng vì vậy mà đủ sức lay động người đọc – dù họ ở lứa tuổi nào. Đọc tác phẩm, ai cũng có thể bật cười, bật khóc, để rồi khi gấp sách lại, chúng ta càng thấu hiểu thế nào là hòa bình, là hạnh phúc. Cuốn sách đặc biệt hướng đến các bạn nhỏ tiểu học, giúp các em làm quen với hành trình cảm thụ văn học thú vị, đồng thời bồi đắp từ sớm những phẩm chất tốt đẹp như lòng tin, khả năng tự lập, sự trung thực, dũng cảm.

Thể loại: Truyện thiếu nhi

Số trang: 112 trang;

Khổ: 13.5×20.5cm;

Bài và ảnh: NXB Phụ Nữ

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.