GỌI NGÔI SAO THỨC DẬY – Cuốn sách dành cho ai?

Về sách của cặp đôi Cha mẹ học thuật Đỗ Xuân Thảo – Phan Thị Hồ Điệp, mình cũng có đọc, nhưng không hết, vì nhiều lý do. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, mình nắm bắt được mạch viết của Anh Chị là thế này: vừa có tính học thuật – đúng chuyên môn nghề nghiệp, vừa có kinh nghiệm thực tế từ việc nuôi một người con cũng có những thành quả nhất định, vừa có độ nhạy bén và cảm xúc trong khi viết bài, cũng như viết sách.

Nên, những đứa con tinh thần của Anh Chị là những chia sẻ có giá trị, không thể phủ nhận.

Nhưng, mình có cảm nhận nữa, về các cuốn sách ấy, là cuốn nào cũng na ná giống nhau, hoặc có thể tách chủ đề, nhưng lối viết và nội dung thường lặp lại. Có thêm những luận đề mới, tình tiết mới, hẳn rồi, vì Anh Chị hoàn toàn làm được việc đó; nhưng vẫn không thoát ra được cái bóng của những cuốn trước.

Nhân có một số bạn tin tưởng hỏi ý kiến, liệu bạn ấy có nên đọc cuốn GỌI NGÔI SAO THỨC DẬY hay không, vì ban được giới thiệu nhiệt liệt, và cũng từng đọc chia sẻ của chị Điệp, cũng biết cuốn sách chưa lên kệ đã được tái bản…

Mình xin được chia sẻ thẳng thắn và thân tình thế này:

Cuốn sách phù hợp với những ông bố bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm hoặc không hiểu phương pháp giáo dục trực quan, chưa hiểu thực sự thế nào là đồng hành cùng con, đặc biệt trong những năm tháng đi học đầu đời vì:

– Cuốn sách đưa ra từng chủ điểm rõ ràng, rồi đưa phương pháp thực hiện. Bản thân mình cũng chơi cùng con, nhưng đơn giản hơn nhiều, nhưng vì mình chủ động, nên có thể biến hoá, mà có khi chẳng cần bất kỳ đạo cụ nào. Nhưng với những bạn chưa làm bao giờ, chưa hình dung ra, thì cuốn sách là cuốn cẩm nang hữu ích.

Ví dụ: muốn con nhận diện con chữ, con số, chị Điệp đưa ra nhiều hình ảnh thú vị, đẹp đẽ; và nhiều cách thức phong phú. Còn mình thì cứ xuất phát từ trò chơi quen thuộc của con, mà hướng đến nội dung mình muốn truyền tải mà thôi.

– Lối viết vỗ về, dỗ dành, khiến cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng khi tiếp nhận nội dung.

Cuốn sách sẽ không còn thật cần thiết với những Bố Mẹ đã có ý thức và hành động đồng hành cùng con trong vui chơi, học tập cũng như rèn luyện, trên cơ sở bám chắc nguyên tắc chung: trực quan – gương mẫu.

Ví dụ: “Bạn có muốn “cố tình” gây thương mến với sách cho con không? Hãy tham khảo một số BINGO cho bé sau đây nhé” Các tác giả đã rất kỳ công đưa ra những trò chơi thú vị để bố mẹ dụ bé đến được với sách.

Nhưng, mình tin là, nếu bản thân bố mẹ không đọc sách, thì những trò chơi kia cũng không thể biến hoá thành của mình để dụ bé một cách tự nhiên được. Còn nếu bố mẹ đã thích hoặc có thói quen đọc sách, thì bố mẹ chắc chắn sẽ có cách của riêng mình để trẻ tự tìm đến sách.

Hoặc nhiều nội dung cùng học với con ở phía trên nữa, nếu bố mẹ chủ động và sáng tạo, thì hoàn toàn có thể có những cách riêng của mình để học mà chơi, chơi mà học cùng con.

Để con tiếp thu kiến thức một cách vui vẻ, lại đi vào bản chất.

Để cả nhà có thật nhiều khoảng thời gian thảnh thơi, đầm ấm bên nhau.

Một vài điều chia sẻ./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.