Giao lưu với các bạn đọc nhỏ tuổi – Niềm vui của người làm sách thiếu nhi

Sách nhà mình xin phép được chia sẻ bài viết của tác giả Nguyễn Huy Thắng:

“Là tác giả lời của loạt 6 cuốn “Tranh truyện lịch sử Việt Nam” mới ra của NXB Kim Đồng, mình thật vinh dự được các bạn ở Dự án “Sách nhà mình” mời tham dự cuộc giao lưu với các bạn đọc nhỏ tuổi tại trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Sau các màn khởi động, đố vui có thưởng giúp các em nhập cuộc và bôi trơn chương trình, mình được mời lên sân khấu để kể với các em những câu chuyện xoay quanh 6 cuốn sách, cũng là 6 nhân vật nhân vật lịch sử nổi tiếng: Trần Quốc Toản, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.

Để đi dần từ dễ đến khó, trước câu hỏi của MC đặt ra cho mình về hai nàng công chúa An Tư và Huyền Trân, mình hỏi lại các em: Công chúa là gì? – Là con gái vua, các em hào hứng trả lời. Lập tức một câu hỏi khác cho các em: Thế con trai vua gọi là gì? – Hoàng tử ạ! Các em lại nhao nhao. Lắng nghe trong đám các em ngồi gần mình có em nhắc tới hai chữ “thái tử”, mình liền truy ngay: Thế em có biết thái tử là gì không? – Là hoàng tử kế nghiệp ạ.

Thật quá siêu! Thế này thì phải gia tăng kiến thức cho các em thôi. Mình liền mở ngoặc đóng ngoặc, lưu ý các em công chúa không chỉ là từ chỉ con gái vua, mà còn là tước hiệu dành cho một số người nữ trong tôn thất, có khi là em gái vua, nhưng cũng có khi là một bậc bề trên của vua. Thông tin này khiến không chỉ các em, mà cả nhiều người lớn cũng khá ngỡ ngàng. Do thời lượng có hạn, mình không bàn tiếp, mà chỉ đề nghị các em về tìm hiểu thêm, và lưu ý các em về trường hợp Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung, vợ của Trần Thủ Độ – do trong lúc giao lưu, mình nghe loáng thoáng có em nhắc đến nhân vật lịch sử này.

(Chúng ta biết rằng Trần Thị Dung là chị họ Trần Thủ Độ, và là cô của Trần Cảnh, sau lên ngôi là vua Trần Thái Tông. Tuy nhiên trước đó bà là vợ của vua Lý Huệ Tông, được vua Lý phong là Nguyên phi và có với vua hai công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Sau Lý Huệ Tông bị ép phải nhường ngôi cho công chúa thứ Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng, bà trở thành Thái hậu. Theo sự dàn dựng của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh được ghép đôi trở thành vợ chồng. Tiếp theo, vẫn theo sự dàn dựng của Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông, vị vua khai mở triều Trần. Lý Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu và mẹ là Trần Thị Dung bị giáng xuống làm THIÊN CỰC CÔNG CHÚA; bấy giờ Lý Huệ Tông đã mất, bà được gả cho Trần Thủ Độ với tư cách một công chúa nhà Trần. Đây chính là minh chứng cho điều mình nói với các em: công chúa không nhất thiết là con vua, mà trong nhiều trường hợp là một tước hiệu.)

Cuộc giao lưu với các em học sinh trường TH Xuân Phương diễn ra thật sôi động, với rất nhiều câu hỏi được đặt ra và câu chuyện được chia sẻ. Trong đó, mình nhớ nhất câu hỏi dành cho mình: Tại sao lại viết về sáu nhân vật đó, và có điểm gì chung giữa sáu người? Ừ nhỉ, tại sao người ta lại viết sách về một ai đó chứ không phải về ai khác? Lý do của mình là thế này: Trần Quốc Toản, An Tư, Huyền Trân đều thuộc đời Trần, một triều đại hiển hách trong lịch sử dân tộc. Hơn nữa, khi viết về các vị, mình đã có dịp kế tiếp cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người rất ngưỡng mộ triều đại rực rỡ này. Chính là để viết lời cho cuốn truyện tranh về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản, mình đã dựa vào tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của cha mình; và để viết lời cho cuốn An Tư công chúa – dựa vào tiểu thuyết “An Tư” cũng của ông. Với công chúa Huyền Trần thì mình có sự “tự tung tự tác” hơn, nhưng vẫn luôn trong cảm hứng như với nhân vật An Tư, người phụ nữ nguyện hi sinh thân mình vì lợi ích của quốc gia Đại Việt.

Còn nét tương đồng ở ba nhân vật lịch sử triều Nguyễn thì đó là cả ba vị đều lên ngôi khi còn rất trẻ: Hàm Nghi – năm 13 tuổi; Thành Thái – năm 10 tuổi; và Duy Tân – khi mới 7 tuổi. Nhưng cả ba đều sớm thấm nhuần tinh thần yêu nước của tiền nhân và kiên quyết chống Pháp. Mưu chống lại người Pháp không thành, cả ba vị đều bị giặc bắt, nhưng không ai chịu khuất phục và đều bị Pháp bắt đi đày, gửi xương ở xứ người…
Viết về phụ nữ và về những người trẻ tuổi luôn là mối quan tâm của mình, và thật mừng là với sáu cuốn truyện tranh lịch sử này, mình đã được toại nguyện.”

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.