Chuyện tôi

Thủ thỉ và khiêm nhường nhưng “đầy ẩn ý cho đến trang cuối cùng” – như Giáo sư Phong Lê viết, “Chuyện tôi” không mang đến cho người đọc những cao trào của các cung bậc cảm xúc, nhưng rõ ràng bạn đọc sẽ cảm nhận được một mạch chảy dạt dào về tình cảm gia đình, tình cha con thiêng liêng. Để rồi, tất cả các sự kiện, các mốc thời gian, các nhân vật xuất hiện trong cuốn sách, đều bám theo mạch chủ đạo ấy.

Một nhà văn lớn Nguyễn Huy Tưởng với các tác phẩm giá trị trên nhiều thể loại: truyện, tiểu thuyết, báo kịch, ký sự thì ai cũng biết. Nhưng chắc ít ai biết đến căn phòng làm việc chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, chính là phần cơi nới của hành lang nhỏ hẹp, mà lại là cả thế giới của những tác phẩm đồ sộ: Kịch Bắc Sơn, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Vũ Như Tô, Những người ở lại, Sống mãi với Thủ đô.v.v.v.. Và đặc biệt, phía sau cánh cửa gỗ, vị chủ nhân là nhà văn lớn ấy còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn dành cho con những phút giây ú òa, cù nách, ôm ấp yêu thương mỗi khi bị quấy phá một cách thòm thèm…Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng tày gang. Ông đã ra đi vì bệnh tật. Day dứt khôn nguôi với hình ảnh ông đăm chiêu và buồn bã khi ở chiến khu một mình, không vợ con (vợ con ông ở lại Hà nội vì có lý do chính đáng), hay cảnh cuối khi ông ngồi trong xe bệnh, đi qua nhà, vẫy cánh tay lên chào vợ con, vô tình thay lại gặp được cậu con trai độc nhất trong số 6 người con, cũng đang loay hoay trèo lên cửa sổ, và vẩn vơ tìm kiếm một thứ gì đó xa xôi lắm!

Kể từ đó, cậu con trai 5 tuổi của cố Nhà văn đã lần tìm hình ảnh Cha mình, ôm trọn hình ảnh Người Cha rất mực thương yêu của mình qua những câu chuyện, tấm hình từ nhiều nguồn thông tin, để sau này, hiện nay, Ông được vinh dự nhắc đến như một Nhà Nguyễn Huy Tưởng học, bên cạnh những giá trị riêng có mà Ông Thắng đã gây dựng cho đời bằng các tác phẩm giá trị của mình trên các lĩnh vực.

Quay trở lại Hồi ức, qua câu chuyện về Người cha Nguyễn Huy Tưởng, Chuyện tôi còn dựng lại đời sống của một thế hệ vàng của thời kỳ văn nghệ kháng chiến với những hình ảnh, chi tiết đôn hậu, đời thường và thuần khiết, gây xúc động mạnh cho người đọc. Còn gì xúc động hơn khi được “đàn em” của người cha đã mất của mình dạy cho biết đi xe đạp, không chỉ bằng việc cho mượn xe, bằng những lời khích lệ, mà còn là cả sự quan sát và hướng dẫn thao tác cụ thể, đến khi thành thạo mới thôi! Hay những món quà thân chinh mang tận tay trao tặng khi “chú Thắng” đạt được những thành tích tốt tại những mốc quan trọng trong cuộc đời! Hoặc sự quan tâm ưu ái đặc biệt cho người vợ goá bụa nheo nhóc với đàn con của NXB Văn học thời ấy thật thấu tình đat lý. Và thật hay là qua đó độc giả cũng biết hơn về thời kỳ vàng son của NXB này, mà có lẽ, giờ đây, đã chẳng còn được một phần như thế! Lại cả chuyện nhuận bút của tác giả, thời ấy cũng khác xa so với thời bây giờ! Biết bao trăn trở, băn khoăn!

Trong bước trưởng thành của người con ấy, độc giả sẽ được gặp những nhân vật thời gần hơn với thật nhiều gợi mở. Những bài học thu lượm được tưởng như vô tình nhưng đầy giá trị, những mối quan hệ đan xen dẫn dắt người ta đến với những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc đời…

Và đặc biệt, một nỗi nhớ Hà Nội, một Hà Nội thời kỳ dân phải sơ tán, thật quá đỗi bình dị thân thương, đến mủi lòng như “bật công tác đèn mà đèn chẳng sáng cho, nước cũng không lên đến tầng hai, muốn có nước phải xuống sân lấy chậu hứng từ cái vòi”, rồi khi ra đi “chúng tôi tắt đèn, vặn lại vòi nước, dù vẫn biết là sẽ chẳng có nước lên”.v.v.v.

Cuối cùng đọng lại cách nuôi dạy con của một Người Mẹ bình dị, người có công lớn trong việc duy trì gia tài lớn là những ấn phẩm, những bút ký của Nhà văn lớn, như một dòng suối mát lành, làm dịu đi những oi bức, ngột ngạt trong cuộc đời của những con người.

Làm nảy nở những điều tốt đẹp lan toả tới cộng đồng.

Khiến mình lại nghĩ đến gia đình – gốc rễ của những điều tốt đẹp.

Biết ơn và yêu thương gia đình lớn, gia đình nhỏ, và những người bạn của tôi!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.