Chương trình tài chính cho trẻ

Về Chương trình Tài chính cho trẻ chúng ta đã trao đổi rất rôm rả sáng nay!
(28.6.2019)
Trước tiên, phải cảm ơn chủ top đã đưa ra một chủ đề rất trúng nhu cầu hiện nay, và vô cùng cảm ơn những ý kiến đóng góp rất hữu ích dựa trên một tinh thần xây dựng chung của tất cả mọi người.

Tôi xin chia sẻ vè Dự án Tài chính dành cho trẻ mà tôi trực tiếp biên soạn, đã đăng ký Quyền tác giả, và cùng một số Chuyên viên ngân hàng giảng dạy trong 2 năm vừa qua tại 1 trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố. Hiện nay, đang tạm dừng vì thiếu nhân lực và thời gian. Qua trao đổi nhanh sáng nay, tôi nhận thấy có nhiều bạn có khả năng và nhu cầu kết hợp để triển khai chương trình này, nên tôi mạnh dạn chia sẻ như sau:

1. Động cơ thúc đẩy biên soạn Chương trình

• Là một Chuyên viên đào tạo Ngân hàng thâm niên 14 năm, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: tại sao học viên của tôi – cử nhân, thạc sỹ trong và ngoài nước, không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người thực sự chật vật với những công thức toán học cơ bản khi gắn những thuật ngữ tài chính đơn giản? Máy làm hết rồi, mình cần gì hiểu, cho đau đầu?!?!????

• Là một người mẹ có hai con nhỏ đang ở tuổi khám phá, tôi nhận thấy nhu cầu và khả năng học hỏi của các con diễn ra ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống,mà tiền tệ, tài chính, bảo hiểm, không phải là một ngoại lệ. Các con càng tiếp xúc với những kiến thức chuẩn mực càng sớm, thì mức độ ghi nhớ và áp dụng của các con càng lớn.

• Các chương trình của trường Quốc tế, không có một môn tài chính hay tiền tệ riêng như mình đòi hỏi, mà lồng ghép vào các môn học. Rất đơn giản vì nó gắn liền với các hoạt động của đời sống hàng ngày. Họ làm được tại sao ta không làm được?

• Chương trình miễn phí Samrt Money của Úc đi đúng theo mạch suy nghĩ này của tôi, mặc dù sau khi triển khai, tôi mới biết và nghiên cứu kỹ về chương trình này.
• Cuốn Khuyến học do Trung Nguyên phát hành miễn phí với tư tưởng Thực học của Nhật Bản đã thúc đẩy tôi phải hành động vì các con của mình.

2. Mục đích của Chương trình

• Về mặt kiến thức: các con hiểu lịch sử, hình thái của tiền tệ từ xưa, nay và cả tương lai, các đồng tiên của các quốc gia trên thế giới, mối quan hệ giữa các đồng tiền; các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản: thẻ, tài khoản, TMĐ.v.v.v…Các kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa cũng được lồng ghép xuyên suốt cùng với câu chuyện của đồng tiền.

• Về mặt kỹ năng: các con sẽ tự tin và chủ động với những kế hoạch do mình tự thiết lập với bất kỳ điều kiện nào.

• Về mặt thái độ: các con hiểu giá trị của đồng tiền nên sẽ tự biết phải sử dụng đồng tiền đúng mục đích và có nhân cách; hiểu, thông cảm và biết ơn bố mẹ đã vất vả kiếm được đồng tiền ra sao. Và cũng từ đó, con có ý thức xây dựng cho mình kế hoạch kiếm tiền một cách chân chính và hiệu quả.

3. Cách thức triển khai

• Tôi tha thiết đưa được vào chương trình chính khóa của các con, mỗi tuần chỉ tầm 70p (chia ra thành 2 tiết học) vì tính chất dài hơi của Chương trình. Không thể bắt ngày một ngày hai con hiểu và áp dụng được ngay bất kỳ điều gì đó. Và nếu chỉ là một môn ngoại khóa, thì cũng như vậy, không đáp ứng được tính dài hơi đó. Khi tôi triển khai ở một trường Tiểu học là dưới dạng ngoại khóa thế này, nên tôi hiểu những bất cập của nó. Mẹ nào có được các kết nối với các trường cấp 1 hoặc mầm non, hãy giúp tôi kết nối!

• Mỗi học kỳ 16 tuần, tương ứng với 16 hoặc 32 buổi, sẽ có các chuyên đề lớn, mỗi chuyên đề lại có một chủ đề cụ thể.

• Toàn bộ nội dung được chuyển hóa thành trò chơi, các con học thông quan trò chơi, tương tác với cô giáo , bố mẹ và những thành phần có liên quan trong chương trình.

• Giảng viên phải là Dân tài chính Ngân hàng, đặc biệt kêu gọi các mẹ đã từng làm hoặc đang làm ngân hàng, có khả năng sư phạm.

Sẽ có rất nhiều Chương trình, nhiều tổ chức đã và đang thực hiện, triển khai ở những trường lớn, nhỏ khác nhau. Điểm khác nhau ở các Chương trình này là cách thức và nhân lực triển khai. Tôi đã đi tới một vài trung tâm lớn nhỏ có chương trình về tài chính cho trẻ, nhưng thực sự có nhiều băn khoăn.

Vậy nên, xin phép cả nhà đăng một bài dài dòng như thế này, là để chia sẻ với những ai cùng quan điểm, cùng cố gắng làm được những điều tốt nhất cho trẻ trong khả năng tốt nhất của chúng ta.

P/S: Có những bố mẹ nào là phụ huynh cũ của Chương trình đang theo dõi nội dung này, rất mong nhận được ý kiến từ các Anh/Chị.

Trân trọng!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.