Châu Phi nghìn trùng – Một đời ngoái lại

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười”… (Phạm Duy)

Nữ văn sĩ Isak Dinesen rời xa châu Phi sau 17 năm chinh phục, hoà nhập, gắn bó và yêu thương. 7 năm sau, năm 1937, bà xuất bản tác phẩm Châu Phi Nghìn Trùng.

Châu Phi Nghìn Trùng là hồi ức về quãng đời thanh xuân nhiều biến động, lắm sự kiện và đầy cảm xúc của Isak Dinesen. Bà cùng chồng đến châu Phi với vai trò là người khai thác thuộc địa – chủ nhân của một đồn điền dưới chân rặng núi Ngong phía tây nam Kenya. Cuối cùng, đồn điền thất bát, kinh doanh thất bại, hôn nhân đổ vỡ, người tình tử nạn, Isak Dinesen đành rời xa châu Phi.

Xa châu Phi một lần, nhớ châu Phi một đời. Một đời luôn ngoái lại, cho dù “còn gì đâu nữa mà khóc với cười”.

“Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu”…

Isak Dinesen đã đem theo toàn vẹn tình thương yêu với con người, vạn vật và đất trời châu Phi trên chuyến tàu trở về Đan Mạch; ủ ấp nâng niu nó trong từng nhịp đập, từng hơi thở của phần đời còn lại. Và, bằng một thứ văn phong trác tuyệt, lộng lẫy, đậm chất nữ tính và giàu tính liên văn bản, bà đã khiến bạn đọc đắm say trong miền quá khứ của Châu Phi Nghìn Trùng – châu Phi xa xôi – châu Phi gần mãi.

“Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm màu

Có lũ kỷ niệm trước sau”…

Kỷ niệm chồng chồng lớp lớp. Đó là kỷ niệm về tình người, tình đất giữa những con người khác nhau về màu da, về địa vị xã hội nhưng đã biết vượt qua những cách biệt để gắn bó, yêu thương. Bằng bản năng chở che và nuôi dưỡng của người phụ nữ, Isak Dinesen đã tự làm thầy thuốc để chữa bệnh cho người dân bản địa. Từ vai trò là một chủ điền trang, bà trở thành “dì phước” của tộc người Kykuyu; trở thành bạn tâm giao của họ. Không còn khoảng cách, không còn thứ bậc, chỉ còn sự tin cậy và tình yêu thương. Các bà già ở đồn điền gọi nữ chủ nhân của mình là Jerie – cái tên đặc thù dành cho những cô gái sinh ra trong một gia đình có nhiều anh chị khôn lớn. Jerie là công chúa nhỏ, là cô út, là là nữ hoàng, là bạn. Jerie hàm chứa tất cả tình yêu thương. Jerie là kết quả của sự hoà hợp hiếm có của hai màu da, hai sắc tộc; là quá trình going black (trắng chuyển thành đen) của nữ sĩ Isak Dinesen và quá trình going white (đen chuyển thành trắng) của người bản địa. Lúc Isak Dinesen cất bước ra đi, các gia nhân mở toang mọi cánh cửa sau lưng bà, dù họ luôn được chỉ dạy phải đóng chặt mọi cửa nẻo. Hành động đó chứng tỏ họ chờ mong bà trở lại. Nhưng Châu Phi Nghìn Trùng – một đi không trở lại – châu Phi trở thành niềm nhớ tiếc khôn cùng.

“Hãy cưỡi ngựa, bắn cung, nói sự thật” là phương châm sống của tầng lớp quý tộc Ba Tư được Isak Dinesen dùng làm đề từ của tác phẩm. Sự thật của Châu Phi Nghìn Trùng mở ra trong người đọc những chân trời tiếp nhận khác nhau. Vấn đề khai thác thuộc địa; vấn đề đất đai, tôn giáo, văn hoá hậu thuộc địa; Chủ nghĩa hậu thực dân; Văn hoá bản địa; Sinh thái hậu thực dân; Sinh thái nữ quyền; Cái hoang dã;… lần lượt hiện ra sống động từ giọng kể điềm đạm pha chút châm biếm một cách kín đáo của nữ nhà văn hai lần được đề cử giải Nobel.

“Hãy yêu thương lòng tự tôn của các dân tộc bị chinh phục, và hãy để họ được tôn kính cha mẹ mình”

“Lúc bị chúng ta tước đoạt đất, thứ người bản xứ mất mát thực ra còn hơn cả đất. Đó còn là quá khứ của họ, cội rễ họ, nhân thân họ. Nếu ta lấy đi thứ họ quen được nhìn và mong được thấy, có thể nói ta cũng cướp đi luôn cặp mắt họ.”

Nói lên sự thật này, Isak Dinesen đã xem châu Phi là máu thịt của tâm hồn mình. Bà đã “hiểu” châu Phi, hiểu người dân nơi đây như hiểu chính mình.

Ngày Isak Dinesen ra đi, lễ hội Ngoma trọng đại mà một trăm vị cao niên tổ chức để tiễn đưa bà cũng bị chính quyền thực dân cấm đoán. Chủ mới của đồn điền sẽ sử dụng đất đai vào việc xây công trình mới. Hết rồi rừng cà phê, hết rồi đàn gia súc, hết rồi các mục đồng, hết rồi các loài thú hoang ghé nhà tuỳ ý, hết rồi các lễ hội và phong tục…

“Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi…
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời”…

Chú bé Sirunga từng được Isak Dinesen giúp chữa bệnh động kinh mắm môi mắm lợi chạy theo xe bà cho đến tận nơi giao cắt của đồn điền và đường cái quan. Chú bé ngóng theo, cho đến lúc Isak Dinesen chẳng còn thấy gì nữa. Bà ngước nhìn lại, núi Ngong thuần một sắc lơ vẫn sừng sững giữa miền đất châu Phi, và vĩnh viễn sừng sững trong ký ức của bà.

“Tôi chẳng để Người đi trừ phi Người ban phước cho tôi”. Isak Dinesen đã ban phước cho người dân đồn điền như câu kinh của “Sáng thế ký” hay chưa? Sự yêu thương, gần gũi, chăm sóc, chở che của bà đối với họ có đủ để bù đắp cho nỗi mất mát lớn của bộ tộc hay không? Dẫu gì, người dân châu Phi cũng phải để Isak Dinesen ra đi, vì chính họ không có quyền giữ bà lại; cũng như không có quyền định đoạt số phận của bộ tộc mình.

Isak Dinesen mất đồn điền, người Kykuyu mất quê hương bản quán; còn chúng ta – những bạn đọc của 80 năm sau, chúng ta mất cả châu Phi: cảnh quan châu Phi, hoang dã châu Phi, thổ dân châu Phi, tập tục lễ hội châu Phi … Hỡi ôi, châu Phi đã nghìn trùng!

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người”…

Vẫn còn. Còn mãi đây tấm lòng với người và đất qua Châu Phi Nghìn Trùng – một trong những văn bản phi hư cấu hay nhất mọi thời đại của Isak Dinesen.

Châu Phi Nghìn Trùng – Một đời ngoái lại – muôn đời ngoái lại qua bản dịch “văn trung hữu hoạ” của dịch giả Hà Thế Giang chắc chắn sẽ mở ra nhiều chân trời tiếp nhận đối với bạn đọc Việt.


Sách nhà mình xin phép được chia sẻ bài viết của chị Nguyễn Thị Tịnh Thy!

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.