Cảo thơm lần giở – Bài 30

Không dễ gì mà đặt bút viết về Nhà văn hóa Hữu Ngọc – một học giả xuất sắc của Việt Nam được Thế giới ghi nhận như “một người bắc cầu giữa các nền văn hóa”!

Mà hãy khám phá “cuộc hành hương” “qua thư tịch” của Ông, ” đi gõ cửa các danh nhân thế giới để tìm câu giải đáp cho câu hỏi”: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đang đi đâu?…

Ấy đã là một niềm hạnh phúc và bài học lớn lao cho mỗi chúng ta rồi!

Bắt đầu từ ngày hôm nay, 21.4.2020, Dự án Sách nhà mình sẽ mỗi ngày gửi tới bạn đọc một trích dẫn trong bộ sách quý này! Mời các bạn thưởng thức!


——————-
Đừng than phiền về thời tiết xấu. Nếu thời tiết không thay đổi thì chín trong mười người chẳng biết bắt đầu nói chuyện bằng cái gì.

Chúng ta không có gì xấu hổ vì những giọt nước mắt, đó là giọt nước làm trôi bụi phủ lên bao con tim xơ cứng.

Trên đời này, không có gì lừa mình hơn là chính mình.

– Charles Dickens-

Charles Dickens là nhà viết tiểu thuyết Anh nổi tiếng thế giới. Ông là con một viên chức hàng hải. Năm 12 tuổi, khi cha bị tù vì nợ, ông đã phải làm việc trong một xưởng xi đánh giày. Năm 1827, ông làm tốc kí viên cho Nghị viện và thông tin cho tờ báo Thời sự Buổi sáng, viết Kí hoạ của Bod (1836). Di thư của câu lạc bộ Pickwick (1827) có tính chất hóm hỉnh, được độc giả hoan nghênh. Oliver Twist (1837-1838) là tiểu thuyết xã hội, mô tả cuộc đời khốn khổ của các em mồ côi và các người cùng khổ. Tiểu thuyết của ông tố cáo những cái xấu xa của xã hội Anh….

Năm 1940, ông sang Mĩ, bị tiếp đón lạnh nhạt vì ông đã tố cáo nhà xuất bản Mĩ đánh cắp văn của sách Anh. Chán ngán về chế độ nô lệ tại Mĩ, ông cho in cuốn Kí họa về nước Mĩ được đề cập trong cuốn Martin Chuzzlewit (1843). Triết lí nhân đạo về xã hội của ông toát lên trong các truyện: Bài ca mừng Giáng sinh (1843); Tiếng chuông (1844), Dế mèn bên lò sưởi (1845)…

Ông đã cho ra tạp chí hàng tuần (Lời nói thông thường, 1850). Nhiều truyện của ông sau này xuất bản từng số trong tạp chí ấy. Không có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, ông thỏa thuận li dị với vợ năm 1856…

Và nói đến Charles Dickens, không thể không nói đến David Copperfield, “trong tác phẩm này, Dickens kể lại một cách chân thật, cảm động và hài hước cuộc đời của mình”…

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.