BẠN VĂN BẠN MÌNH _ Bài 8

NGUYỄN TUÂN _ CHÂN DUNG VĂN HỌC

“Lai đã bưng siêu nước ra, đứng vòng tay chờ lòng Tản Đà sai bảo.

– Này Lai, con chạy ra đầu phố xem có cái gì mua về uống rượu. Con tùy tiện lâý.

Nghe mà thâý đài quá! Nghe mà thấy sang quá! Ai dám bảo ông Tản Đà luôn túng quẫn. Tôi tủm tỉm cười”

Nguyễn Tuân, vốn ấn tượng trong lòng độc giả là một Nhà văn rất chỉn chu trong câu từ, và trọng cái đẹp, luôn có ý thức gìn giữ cái đẹp trong cuộc sống này. Chắc hẳn bạn đọc vẫn còn nhớ đoạn văn tả Sông Đà trong môn ngữ văn, cả con sông hiện lên qua ngòi bút Nguyễn Tuân như một dòng pha lê dày dặn, lấp lánh, đồ sộ đến mức choáng ngợp. Cảm giác về Sức mạnh của ngôn từ, của con chữ ở Sông Đà, hay Vang bóng một thời, trong đó có Chữ người tử tù, quả là mãnh liệt. Và rõ ràng, những áng văn đó, tác phẩm đó đã có sức sống lâu bền. Bởi đơn giản, độc giả thấy đó đích thực là những áng văn đẹp, là nghệ thuật, và ngây người chiêm ngưỡng, cảm được sự thôi thúc hướng tới cái chân thiện mỹ trong cuộc đời

Quả thật, thế giới này mà con người quay lưng lại với cái đẹp thì đáng sợ biết bao! Bởi thế, thật xót xa mà khi đọc đâu đó những luận điểm phản biện rằng, Nguyễn Tuân cứ cố vắt ra những từ ngữ được coi là đắt đỏ, sáng giá, mà chẳng mấy ai dùng đó, để làm gì ngoài việc khoe tài cán cá nhân?!

Xin mời hãy đọc CHÂN DUNG VĂN HỌC, để hiểu hơn về Nhà văn, vì “văn chính là người”. Qua tác phẩm được tập hợp lại từ những bài viết của từng tác giả, độc giả sẽ thấy trước tiên họ cũng là con người với những niềm vui, nỗi đau rất đời, họ có tình bạn, tình yêu, cá tính và thói quen độc đáo của những văn nhân. Ngoài ra họ còn là những con người thế kỉ sống ở thời đại sôi nổi, sáng chói của văn đàn Việt, mà với bộ sách này, bạn sẽ biết nhiều điều hay phía sau những nhận định đóng đinh của từng cây bút hoặc động lực để có những tác phẩm bất hủ trong làng văn Việt. Ví như vì sao Tản Đà luôn được “anh em nghệ sỹ nể phục tài sành và kỹ trong ẩm thực”; hay Số đỏ không hề được chuẩn bị trước, Vũ Trọng Phụng viết vì đã đến lịch hẹn với xưởng báo, và khi xây dựng nhân vật Xuân tóc đỏ, tác giả hoàn toàn không nghĩ đến tầm vóc lớn lao như sau này được ca tụng, mà đơn giản lắm!

Rõ ràng, bằng những câu chuyện, góc nhìn của chính những nhà văn, nhà thơ về bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn, hoặc những tác gia lớn trên thế giới là thần tượng của họ trong cùng một thời kì, đều của những cây bút sắc sảo, có cá tính, nên bộ sách chính là những tác phẩm phê bình văn học chất lượng, giải oan cho sự khô khan gần như được đóng đinh cho mảng phê bình!

Hãy xem nhé, xem Nguyễn Tuân viết về Tản Đà, về phố Phái, Thạch Lam, Sê – khốp, về Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa.v..v.

Và các tác giả khác nữa trong bộ sách,

Để thấy cái đẹp cần được phát hiện, nâng niu, và nhân rộng, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào!

Chào tháng 4 cùng cơn mưa rào rả rích và hương thơm vướng vít của lọ loa kèn đang vào độ!

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.