3 tác phẩm đặc biệt về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Các bạn đã có cuốn nào của Nhạc sĩ họ Trịnh?

Sách nhà mình xin chia sẻ bài viết của NXB Trẻ:

” 3 quyển sách đáng đọc khi tìm hiểu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

TRỊNH CÔNG SƠN CÙNG 3 QUYỂN SÁCH ĐẶC BIỆT

“Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai. Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời. Xin cho tay em còn muốt dài. Xin cho cô đơn vào tuổi này. Tuổi nào lang thang thành phố, tóc mây cài.”
Đã 20 năm kể từ ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những bản nhạc của ông vẫn ngày ngày vang vọng đâu

đó giữa lòng Sài Gòn, những quyển sách về ông vẫn được truyền tay nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những thứ thuộc về Trịnh Công Sơn, những gì tồn tại trong cuộc đời ông đều được những ai yêu nhạc, yêu văn chương trân trọng và nâng niu từng chút.

Ngày 1/4 năm nay, NXB Trẻ xin gửi đến quý độc giả 3 quyển sách đặc biệt viết về cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa này.

1. “Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” – Địa đàng còn in dấu chân người

Tác phẩm là những trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường về Trịnh Công Sơn. Quyển sách có ba chương: “Dấu chân địa đàng”, “Tuổi đá buồn” và “Để gió cuốn đi”. Ở chương đầu “Dấu chân địa đàng”, những ngày tháng còn thơ ấu, những ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn được miêu tả chân thực và sinh động. Âm nhạc của ông được nuôi dưỡng từ những nỗi buồn, từ những xúc cảm về một miền xa xăm, từ tình yêu của mẹ và từ tư tưởng Phật Giáo.

Chương 2 “Tuổi đá buồn” đưa người đọc đến những ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi của Trịnh Công Sơn. Từ những ngày còn đi học ông có cho mình những sáng tác đầu tiên, đến những ngày chiến tranh căng thẳng thì Trịnh Công Sơn lại chọn cho mình những bài nhạc phản chiến, bày tỏ những góc tối u uất của số phận con người. Rồi ông tìm thấy Khánh Ly và cùng đàn cùng hát, rồi ông chọn viết tình ca, trở về với chất thơ trong con người mình, chất Huế chiếm trọn trong âm nhạc của ông.

Chương 3 “Để gió cuốn đi” dẫn chúng ta về những ngày trầm ngâm của người nghệ sĩ, người viết nhạc tài hoa – Trịnh Công Sơn, để có thể cảm nhận một cách chân thành nhất những hoài niệm, ưu tư của ông về âm nhạc, về những mối tình. Những phần cuối tác phẩm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành những giây phút lắng đọng để cùng độc giả nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của Trịnh Công Sơn. Những câu từ như thước phim quay chậm lướt qua từng mảng ký ức, từng nhịp, từng hồi thăng trầm trong đời của con người tài hoa này.

2. “Tôi là ai, là ai” – Mà yêu quá đời này…

Tác phẩm có hai phần: “Tôi là ai” và “Là ai”. Phần đầu “Tôi là ai” là những trang viết của Trịnh Công Sơn với nhiều thể loại tản văn, hồi ức, tùy bút, thơ và truyện ngắn. Ông viết về cuộc đời, bạn bè, gia đình, quê hương ông và cả những nơi mà ông đã đặt chân đến. Những câu chuyện, những cảm xúc của ông chạm vào cái hư vô, cái khoảng không chơi vơi của kiếp người. Từng câu từ như đưa ta về miền xa thẳm của thân phận, những mông lung, mơ hồ khiến cho ai đọc qua cũng không thể nào quên.

Phần hai “Là ai” tập hợp những bài nhận xét của những người xung quanh về Trịnh Công Sơn. Những hồi ức, cảm nghĩ và cả kỷ niệm của nhạc sĩ Văn Cao, ca sĩ Khánh Ly, hoạ sĩ Bửu Chí,v.v về Trịnh Công Sơn cho chúng ta hiểu thêm về cố nhạc sĩ, về những câu chuyện nhỏ xung quanh ông. Bên cạnh đó còn có những bài nghiên cứu về các ca khúc của ông. Mỗi người một góc nhìn, một cảm xúc, một kiểu suy tư khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn. Tất cả làm nên bức tranh muôn màu về một con người tài giỏi.

3. “Thư tình gửi một người” – Điều đẹp nhất nằm nơi ngực trái

Quyển sách là tập hợp những bức thư và hình ảnh mà Trịnh Công Sơn gửi cho Ngô Vũ Dao Ánh trong khoảng thời gian từ 1964 – 1989. Đó là những bức thư tình nồng nàn, những cảm xúc có khi nhẹ nhàng, có khi da diết, cũng có khi mệt nhoài về những thứ chất chứa trong tim người con trai khi yêu đậm sâu một người con gái. Ngô Vũ Dao Ánh đã là một phần trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn, là nhân vật trong những khúc tình ca, và là những gì đẹp đẽ nhất ông cất giữ nơi trái tim mình.

Không cần đọc quá vội, không cần cảm nhận quá nhanh, từng câu từng chữ của Trịnh Công Sơn làm ta có thời gian chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu và về hàng tỉ thứ khác vẫn tồn tại trong cõi đời này. Những bộn bề lo toan, những mưu cầu toan tính sẽ nằm sau trang giấy, nằm sau những điều đẹp đẽ mà Trịnh Công Sơn gửi trao cho người con gái mình yêu thương.

Đọc để thấy yêu thêm một người nào đó, đọc để biết ngày xưa người ta trao nhau những dòng thư đầy cảm xúc như thế nào và đọc để thấy lòng mình trôi nhẹ tênh cùng vài bản nhạc.”

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.