Trung thu xưa

Trung thu 2021, chúng mình cùng thưởng lãm Trung thu xưa, qua con mắt của một người nước ngoài,

Để tìm chút không khí một mùa lễ Tết, một mùa đoàn viên ý nghĩa của dân tộc!

Xin được chia sẻ./.

” Tết Trung thu năm nay buồn thiu. Phố Hàng Mã mọi năm giờ này tấp nập, lóng lánh đèn đóm là thế mà giờ vắng hoe như chùa bà Đanh. Nhưng người ta vẫn xếp hàng dài dằng dặc để mua cho được thứ bánh mang hương vị truyền thống mà chưa chắc về đã ăn.

Năm nay mình chắc cũng không đèn đóm bánh trái gì hết. Thấy ví nặng hẳn và tinh thần nhẹ nhõm.

Và mình cũng hoàn thành việc dịch một cuốn sách có nhắc nhiều đến Tết Trung thu của nữ nhà báo người Pháp Hilda Arnhold, tái hiện lại Bắc kì đầu thế kỉ trước,. Sách mấy tháng nữa mới phát hành, nhưng cũng xin trích đăng bài về Trung thu ở đây để cúng face thay vì cúng trăng.

Trung thu, tết giữa mùa thu được tắm dưới ánh trăng đẹp đẽ nhất, thuần khiết nhất, rạng rỡ nhất trong năm. Cái tết điển hình của trẻ em, đó là một trong những cái tết vui tươi nhất, rộn rã nhất, tráng lệ nhất….

Từ vài ngày nay, cả thành phố trong trạng thái sôi sục; thợ làm bánh chuẩn bị những chiếc khuôn gỗ được chạm khắc dùng để sản xuất bánh truyền thống (bánh Trung thu), những người bán đèn lồng, trống, mặt nạ kì lân, sắp xếp các kệ hàng; giữa đám trẻ, các ông bố bà mẹ nâng niu mang về những con cá đẹp tuyệt bằng giấy xanh hoặc đỏ có thể động đậy vây và đảo những cặp mắt lớn, hoặc ông tiến sĩ trong chiếc áo đỏ chói ngồi dưới ba cái lọng với vẻ oai vệ, chừng ấy thứ đồ chơi khéo léo và sáng nhoáng làm cho không chỉ trẻ con mà cả gia đình thích thú. Mặc dù năm nay, những con linh vật của trung thu trở nên hiếm hơn thì tất cả đều đã tăng giá, và giá của một con cá giấy không còn vừa với mọi túi tiền nữa; người ta tiếc nuối những thứ tuyệt vời của những năm trước đang đung đưa trong gió suốt dọc phố Hàng Gai: tôm, cua, cá các kiểu và các màu, chuồn chuồn, bươm bướm. Hiện tại, người ta thường bằng lòng nhất với những chiếc đèn lồng nhiều màu với các hình tượng trưng.

Cũng từ vài ngày nay, người đi đường nào cũng đều mang những cái hộp và những cuộn bánh làm từ gạo nếp có nhân được bán bốn chiếc một.

Các cô bé cậu bé đã bắt đầu đánh trống và đeo mặt nạ kì lân để luyện tập.

Nhưng chỉ duy nhất vào tối trăng tròn, trong đêm ngày mười lăm rạng sáng ngày mười sáu thì ngày hội mới thực sự trọn vẹn. Sự căng thẳng lên đến cực điểm và cả đám đông dường như trỗi dậy do lòng phấn chấn. Ở Hà Nội, trong phố Hàng Gai và Hàng Bông, khoảng tám giờ tối, gần như không thể đi lại nổi. Một đám đông náo động làm tắc nghẽn vỉa hè, đi lững thững giữa đường, nơi lũ trẻ và những chiếc xe đạp đi tới, mà cứ như có phép màu, vẫn lưu thông được.

Trong bóng tối nhập nhoạng, khung cảnh phố xá trải dài dưới những tán cây như một đường hầm, từ đó tuôn ra một dòng người vô tận, được soi sáng đây đó bằng ánh sáng bất chợt của một bó đuốc hay quầng vàng của chiếc đèn lồng nào đó. Và từ đám đông ồn ào vang lên tiếng đinh tai nhức óc, tiếng xì xào lộn xộn, tiếng la ó, tiếng gọi nhau, tiếng leng keng của chuông xe đạp, tiếng la lối om sòm của lũ trẻ và nhất là tiếng trống giục giã, mà cứ mười hoặc hai mươi mét, hoà nhịp với điệu múa của một con lân dữ tợn.

Những con lân truyền thống này có đủ mọi kích cỡ và dáng vẻ đa dạng nhất, và thường thì có một chú bé con gầy gò và rắn rỏi như một con bọ, đầu và thân trên giấu dưới chiếc mặt nạ lân to tướng, chạy, vọt lên, nhảy nhót, tiến, lùi hoặc xông lên với một sự nhanh nhẹn khó tin và một chiều hướng khác thường đầy kịch tính. Hai hoặc ba cậu bé khác giữ đuôi con vật (vài mét vải nhiều màu), và con lân tượng trưng ấy nhăn nhó, hung hăng, dữ tợn chĩa chiếc sừng duy nhất trên trán, đảo con mắt thần, dựng người lên, khiêu chiến một đối thủ thường là tưởng tượng; tất cả hòa trong điệu múa: cặp lông mày của nó rung rinh còn mấy chiếc râu thì ngoe nguẩy, cặp tai đập dữ dội trong khi chiếc hàm thì phập phồng một bộ râu bù xù. Thi thoảng, một “chiến binh” mặc bộ quần áo chắp vá từ vải lụa xanh đỏ vờ như giữ đầu con quái vật và trận chiến kết thúc khi cây tre biểu trưng cho ngọn giáo được ấn dứt khoát vào đuôi con vật đáng gờm.

Một số nhà buôn tranh thủ dịp này để quảng cáo và cả một đám nhỏ rước đèn đi theo con kì lân. Trống và chũm choẹ, do bọn trẻ cầm hoặc để trên xe ba gác, theo nhịp quay cuồng của tiếng trống tùng tùng, khiến cho trên vỉa hè diễn ra một buổi trình diễn thực sự lôi kéo sự tụ tập của những khán giả hân hoan.

Một đám tụ tập khác hình thành quanh những người bán đèn kéo quân, chiếc đèn được kéo nhờ một trục quay, những cái bóng rất thực đang chuyển động: trên mặt này thì có một người tiều phu đang hạ mãi mà không xong một con hổ hung hăng chưa muốn chết; trên mặt kia thì hai người chèo thuyền đang đi ngang qua một dòng sông vô định với những cử động lắc lư giống như do say sóng; ở mặt khác nữa, một bà mẹ chìa hoài cho ông bố một em bé đang ngọ nguậy tay chân; hoặc là một con voi nhổ mãi không xong một cây dừa; mỗi chiếc đèn kéo quân là một kiệt tác nho nhỏ của sự tài khéo và thường là hài hước.

Trên vỉa hè, cơ man là những khay bán xách tay, nơi người ta mua những thứ đồ chơi phù phiếm của ngày hội một đêm này: thỏ bông, hoa giấy, các con vật và nhân vật bằng bột dong cực kì hào nhoáng.

Trong tranh tối tranh sáng của phố Hàng Đồng, mở ra sáng loáng những chái bán đồ vàng mã, với mặt cửa hàng đong đưa những chiếc đèn hình thỏ, cá, côn trùng, những quả cầu, tua viền bằng giấy, các bó hoa, đồ trang trí, nơi vàng và các màu sắc sặc sỡ đua nhau lấp lánh.

Trong phố Hàng Đường, người ta chen nhau trước các tiệm bánh, phủ màu trắng, đều có bảng hiệu và sáng rực. Các thợ làm bánh và thợ phụ làm việc cật lực, mồ hôi trên trán, còn những kẻ hiếu kì thì chẳng bao giờ chán, ngưỡng mộ xem họ trộn những núi bột trắng với những suối xi rô thơm, rồi nhồi những viên nhân làm từ các loại mứt hấp dẫn và cuối cùng, dập bánh với chiếc khuôn gỗ trên bàn bằng những cử chỉ trang trọng, tháo khuôn chiếc bánh mềm mại và ngon lành, in dấu bằng một con chữ, một cụm hoa hoặc một con rồng. Bên cạnh những người lao động là các vại si rô và thau đồng chứa đầy mứt quả, bột hạt sen nhào, hạnh nhân, vừng, nơi những người thợ làm bánh có thể không phải giữ ý giữ tứ.

Mùi bột gạo và tinh dầu bưởi tràn ngập cả phố xá. Nơi khác là những chiếc bánh nướng được nướng theo kiểu Tàu. Vỏ bánh vàng ươm chứa đựng một nhân nửa ngọt nửa mặn, với giăm bông, thịt gà, xúc xích, trứng. Hoặc biến tấu hơn với cá, thịt cóc, thịt thỏ… bằng bột gạo, tất cả những chiếc bánh này đều có hình dáng gợi lên những huyền thoại Trung Hoa về Mặt Trăng.

Những mái sẫm của các ngôi nhà phác nên đường nét kì lạ trên nền trời sáng đã ghim những ngôi sao.

Nhưng, ngoài những thể hiện ồn ào vui vẻ quốc dân này, trong không khí ấm cúng của gia đình, người ta làm lễ trông trăng: cả gia đình ngồi tụ tập trong sân, nơi bày các đồ cúng trong khi mặt trăng lung linh, thuần khiết, sáng rực và đầy huyền bí; và người ta nó rằng, ở cái đêm phù trì này, ta có thể tìm cách khám phá những dấu hiệu chiêm tinh dựa theo những cái bóng trên bề mặt mặt trăng.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.