Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam – Nhà mình đọc sách (phần 2)

Xin được quay trở lại bài viết này với việc khái quát nội dung của phần 1. Bài viết đã sắp xếp theo trình tự thời gian, đi từ Đức Thánh Trần soi tỏ những đời đầu của Hào khí Đông A, qua thời đại nhà Hồ ngắn ngủi nối tiếp nhà Trần với nỗi niềm còn đau đáu của những nhân vật như Trần Khát Chân, Nguyễn Trừng, tiệc rượu trong rừng mơ ấn tượng ở Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Thời Lê Trịnh phân tranh, loạn lạc được khắc hoạ qua cuộc đời của một nữ sĩ tài danh trong Nữ sĩ thời gió bụi, tiếp đến Vũ Tịch nối hậu Lê với Tây Sơn và nhà Nguyễn. Cuối cùng, phần 1 đã dừng lại ở 3 thế hệ đời đầu nhà Nguyễn được thể hiện rất hay trong Từ dụ Thái hậu.

Vì thế, trong phần 2 này, bài viết xin được tiếp mạch với Mẫu thượng ngàn và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân cùng Madam Nhu – Quyền lực Bà Rồng.

Mẫu thương ngàn qua ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh, đồng tác giả của Hồ Quý Ly, hiển hiện lên một Việt Nam, cụ thể là một vùng ngoại thành Hà Nội đầu thế kỉ XX, với nhân vật chính là tổng thể nhiều con người, nhiều số phận hoà quyện lại thành một nhân vật chung là văn hoá Việt. Ở đó, ta bắt gặp những nhân vật như anh Phác, cô Mùi, rồi Nhụ, Điều, cụ đò Tiết, hay Bà ba váy, Bà cô Tổ.v.v.v.là hồn cốt của những nét văn hoá đậm chất Bắc bộ: đàn hát, bẫy chim, thờ Mẫu.v.v.v, đang vật lộn trong cuộc sống giữa lề lối cũ, với cái chèn ép, kìm kẹp của thực dân Pháp cũng như sự xâm nhập ngày càng sâu của đạo Thiên chúa. Đâu đó, những thanh niên như Tuấn, đại điện của tuổi trẻ, của khát vọng về một lối sống mới, tự do, cũng đã le lói trong cái bức tranh xã hội buồn nhiều hơn vui này. Cái hay là oằn mình chống chọi với cuộc sống đảo điên ấy, những người dân vẫn giữ được nét văn hoá của mình, bằng sự nỗ lực cả về tinh thần và thể chất.

Có thể là hình ảnh về sách

Một quãng lịch sử chói lọi của dân tộc qua đi, đến tận những năm giữa thế kỉ, với sự xuất hiện của anh em nhà Ngô, một hướng đi khác với con đường lựa chọn chung của dân tộc thời kì đó, thông qua một nhân vật gắn liền với chế độ này. Đó là Trần Lệ Xuân. Nếu như Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân đích thực là một cuốn Tiểu thuyết, do một Nhà văn trong nước viết, dựa trên những tài liệu lịch sử, góc nhìn và cảm nhận của cá nhân; thì cuốn Madam Nhu – Quyền lực Bà Rồng là một cái nhìn khách quan của một Nữ nghiên cứu về Việt Nam học người Mỹ, dựa trên rất nhiều bằng chứng từ nhiều nguồn, kết hợp với việc tiếp cận thực tế với nhân vật chính tỏng những năm cuối đời. Có nhiều điều trùng hợp, và vì thế đều giúp cho độc giả có cái nhìn sâu hơn về giai đoạn lịch sử này. Mọi sự phán xét, thuộc về độc giả.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và văn bản

Trân trọng giới thiệu./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.