Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam – Nhà mình đọc sách

Hiểu và nhớ rõ lịch sử hơn nhờ các cuốn tiểu thuyết, đối với mình là như vậy. Cùng lần lại tủ sách chuyên đề này một cách ngẫu nhiên theo trí nhớ, gia tài của mình gồm:

MẪU THƯỢNG NGÀN

TỪ DỤ THÁI HẬU (2 cuốn)

HỒ QUÝ LY

VŨ TỊCH

TRẦN THỦ ĐỘ

ĐỨC THÁNH TRẦN

NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI

MADAM NHU – QUYỀN LỰC BÀ RỒNG

ĐỆ NHẤT PHU NHÂN TRẦN LỆ XUÂN

Bộ đã có nhưng chưa đọc: Bão táp triều Trần, Thiên nhạc, Thiên hạ chi vương.

Cùng sắp xếp theo dòng lịch sử, tủ sách chuyên đề ấy của mình sẽ theo mạch như sau:

ĐỨC THÁNH TRẦN mở ra trước mắt độc giả cả một Hào khí Đông A – triều đại nhà Trần, với sự chuyển giao triều đại từ Lí sang Trần với các nhân vật lẫy lừng trong lịch sử và các mối liên quan giữa họ. Đọc xong, bỗng hiểu tại sao, xung quanh trục đường Trần Hưng Đạo, là những Dã Tượng, Yết Kiêu, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, .v.v.v.v.Cây bút vùng Kinh Bắc Trần Thanh Cảnh vốn dạn dĩ với những trường đoạn rất tình, rõ ràng đã làm mềm những sự kiện, những danh tướng, những mưu mô chính trường cũng như chiến trận, khiến độc giả như được sống trong bối cảnh thực sự cách đây hàng trăm năm. Cuốn Trần Thủ Độ ra sau, làm rõ hơn về nhân vật đầy những ý kiến trái chiều này, và cũng tô đậm thêm nữa về triều đại nhà Trần kéo dài tới gần 200 năm trong lịch sử dân tộc. Bạn có thể chỉ cần 1 trong 2 cuốn này để vén màn lịch sử về một dấu mốc lẫy lừng của đất nước.

Tiếp ngay sau đó là cuốn HỒ QUÝ LY – thời kì cuối đời nhà Trần được tái hiện qua ngòi bút mượt mà, sâu lắng Nguyễn Xuân Khánh. Nhân vật chính là Hồ Quý Ly – nhân vật mà hơn 600 năm qua vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng ở đó, bạn cũng bắt gặp Trần Khát Chân với rừng mai “xanh ngát một màu lá mạ”, hay “vườn lan giấu kín sau nhà…như giấu giếm những nàng ái phi”, hay Nguyễn Trừng – người có phước được thưởng nghi lễ ngắm hoa ở chốn thần tiên ấy…Cái đặc biệt của Nguyễn Xuân Khánh là câu chuyện không chỉ dừng lại ở những nhân vật, những sự kiện chính, mà luôn mở ra bức tranh về bối cảnh chung, khiến bỗng dưng, nhân vật trung tâm lại luôn là nét văn hoá của Thăng long ngàn năm văn hiến với những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân giang, nhưng phong tục tốt đẹp…được lưu truyền, nay đã bị mai mọt theo năm tháng. Thủ pháp này một lần nữa được thể hiện xuất sắc qua tác phẩm MẪU THƯỢNG NGÀN – cuốn tiểu thuyết phản ánh thời kì gần hơn, Hà nội đầu thế kỉ XX, thời thuộc Pháp.

Bẵng qua một đoạn dài của lịch sử (Trần – Hồ – thời hậu Lê với người mở đầu là Lê Lợi lây lừng) sang luôn thời Lê Trung Hưng, tức thời vua Lê – chúa Trịnh, với những biến động rối ren về xã hội. Cuốn NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI – tác phẩm mới ra mắt của Nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, cho Hà Nội- nhà văn Lê Phương Liên, đã đưa độc giả đến với một thời kì loạn lạc về nhiều mặt, nhưng lại cũng chính là thời kì hội tụ những thi nhân văn sĩ sáng chói trong lịch sử dân tộc: Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Trạng Quỳnh, Nguyễn Nghiêm (thân sinh của Nguyễn Du).v.v.v.Giữa cái rối ren ấy, những tài năng ấy vẫn sáng như ngọc, lại cũng rất đời, với những trách nhiệm bổn phận với gia đình, chồng con, làng mạc, đất nước! Một mẫu người phụ nữ văn võ song toàn và có nhiều điểm tiến bộ đáng ngạc nhiên.

VŨ TỊCH sẽ tiếp mạch kết cục của thời hậu Lê với thân phận về hai cô công chúa phải gánh cả sự suy vong của triều đại mình tới hai triều đại tiếp sau đó. Nếu như Công chúa Lê Ngọc Hân có được hạnh phúc trong giai đoạn đầu với Quang Trung thời Nguyễn Huệ, nhưng luôn đau đáu nỗi nhớ vương triều đàng ngoài, rồi đến khi thành mẹ goá con côi, ốm đau bệnh tật đến chết; thì công chúa Ngọc Bình lại không có được giây phút nào êm ấm từ khi lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, là con vua rồi hai lần làm vợ vua, đời 2 triều Tây Sơn, và đời đầu triều Nguyễn. Là để làm gì? Để được sống hay chỉ là để thực hiện trọng trách máu mủ Lê triều với việc chôn cất xác chi Ngọc Hân, rồi sau là chăm con cho người chị bạc mệnh? Cuối cùng nàng cũng chết khi sinh đứa con thứ 2, và 2 sinh linh ấy tiếp tục được mô tả hiện thực một cách đắng cay, mặc dù chỉ thoáng qua, ở một thời đại khác.

Đó chình là thời nhà Nguyễn. TỪ DỤ THÁI HẬU gồm quyển Thượng và quyển Hạ, thông qua chân dung nhân vật chính đã mô tả một cách sống động cả về một triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam, đăc biệt thời kì đầu. Các nhân vật như đang đi đứng, nói cười, khóc lóc, vật vã, đớn đau và cũng đầy yêu thương ngay trước mặt bạn, và nhờ đó, các triều vua nhà Nguyễn tự nhiên cứ móc xích lại một cách logic với nhau, khiến bạn hiểu và nhớ! Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã có nhận xét xác đáng thế này “Chỉ thông qua các chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua (đầu) hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc ảo của nữ nhà văn Trần Thuỳ Mai. Mựt khác, văn hoá phong tục được goi gọn trong các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế. Từ dụ thái hậu là một cuốn tiểu thuyết kịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng.”

XIn được chia sẻ./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.