Những ngày sau Tết, ngoài việc bận rộn trở lại với công việc thường nhật, bố mẹ còn có một việc không kém phần quan trọng là cùng các bạn nhỏ bàn bạc và quyết định sử dụng số tiền mừng tuổi của mình thế nào.
Các bạn nhỏ mầm non thì chưa biết lắm, nên bố mẹ thường toàn quyền sử dụng. Còn các bạn từ lớp 1 trở lên, có ý thức hơn, đã muốn giữ khư khư khoản tiền đó của mình, làm những điều mình thích.v.v.v.
Phải làm sao để các bạn hiểu và phối hợp cùng bố mẹ sử dụng có hiệu quả?
Thông tin từ Tài chính học trò cho biết, “Theo luật Hôn nhân và gia đình quy định, con cái có quyền có tài sản riêng, bao gồm tài sản được tặng cho riêng. Tiền mừng tuổi là tiền được tặng cho riêng nên được coi là tài sản riêng của con.
Cũng theo luật, học trò đủ 15 tuổi có thể nhờ cha mẹ giữa hoặc tự mình giữ tiền mừng tuổi, còn học trò dưới 15 tuổi phải đưa tiền mừng tuổi cho cha mẹ hoặc người được uỷ quyền giữa hộ cho đến khi đủ 15 tuổi.
Cha mẹ hoặc người giữ tiền mừng tuổi của con dưới 15 tuổi có quyền sử dụng tiền đó vì lợi ích của con, nhưng phải xem xét nguyện vọng của con nếu con đã đủ 9 tuổi.”
Như vậy, đối với các bạn từ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi, bố mẹ có thể cùng bàn bạc với các bạn để thực hiện một số cách sau với số tiền mừng tuổi của mình nhé!
Gửi tiền Tiết kiệm
Các con hoàn toàn có thể đứng tên chủ sở hữu một Sổ tiết kiệm dưới sự giám hộ của Bố/Mẹ hoặc người được uỷ quyền hợp pháp. Cả gia đình chỉ cần nhớ mang theo Giấy khai sinh của con và Giấy tờ tuỳ thân của người giám hộ (thông thường là Bố/Mẹ) đến bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào, với số tiền tối thiểu (tuỳ từng Ngân hàng), là đã có thể làm một sổ tiết kiệm mang tên con nhé!
Các bạn nhỏ thấy số tiền của mình được ghi bên cạnh tên mình, có cả lãi suất, nghĩa là khi hết kỳ hạn gửi, cũng thấy luôn trên sổ, là bé sẽ được nhận một số tiền lớn hơn số tiền ban đầu gửi vào.
Hơn là đút lợn rồi!
Mua một món đồ giá trị đã lên kế hoạch từ lâu
Tiếp tục phân chia vào các quỹ hiện có: Tiết kiệm, Cho tặng, Chi tiêu. Trong đó, phần Chi tiêu chỉ giới hạn vì với tầm tuổi của các con, chi tiêu không phải việc chính. Các con có thể có quỹ này để mua đồ dùng học tập cơ bản, tặng quà sinh nhật cho bạn ở lớp.v.v..v.Phần Cho tặng, có thể tương đương hoặc nhiều hơn một chút phần Chi tiêu, trước hết là dùng để ủng hộ các đợt quyên góp do Nhà trường hoặc các Tổ chức xã hội uy tín phát động, hoặc có thể sử dụng do chính các con thấy cần cho người xứng đáng. Tiết kiệm từ sớm và ngay từ bây giờ, luôn là điều cần thiết cho bất kỳ ai, nên quỹ tiết kiệm ở lứa tuổi các con sẽ phải chiếm nhiều nhất.
Nếu bạn nào chưa hình thành quỹ, thì trước hết, cả gia đình hãy cùng tư vấn cho bạn xây dựng các quý cá nhân này. Đó là việc làm thiết thực.
Tất cả những nội dung trên đều có trong cuốn Tạp chí Tài chính học trò số 1 dưới đây. Ngoài ra, có thể kết hợp bộ sách Ký sự thành công của Kira gồm 2 cuốn: Tiền đẻ ra tiền – Những bài học hình thành nhân cách, để các bạn nhỏ tự tìm ra cách thức phù hợp với bản thân mình.
Đặc biệt là các bạn lớn, muốn tìm hiểu hơn cách thức Đầu tư, mở rộng thêm phần quỹ tài chính cá nhân của mình.
Xin được chia sẻ./.
THÙY DƯƠNG