Mẫu thượng ngàn

Tôi bắt đầu đặc biệt quan tâm đến giai đoạn lịch sử này của Đất nước qua chương trình Đọc chuyện đêm khuya, truyện” Mẫu thượng ngàn”.

Khi đó, đầu những năm 2000, tôi vẫn còn là một sinh viên Đại học. Mỗi ngày chỉ được nghe một chương, qua chất giọng truyền cảm của phát thanh viên, câu chuyện hiện lên ngọc ngà, sống động từng chi tiết, nên thòm thèm lắm. Hí hửng ra khoe với bố, có một tác phẩm văn học hiện đại, chau chuốt, tỉ mẩn, đẹp như văn Nguyễn Tuân..bla..bla..Bố tôi, một thày giáo dạy Văn, nhỏ nhẹ cười, và nói “Nguyễn Xuân Khánh, tay bút của Anh thợ khóa, Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly, Miền hoang tưởng, sắc sảo và mượt mà là phải rồi, thật lắm gian truân….”

Được viết từ những năm 60 của thế kỷ trước với tên khai sinh là Làng nghèo, trải qua những long đong lận đận do tính chất lịch sử của xã hội, đứa con tinh thần của Ông không được phép chào đời, bản thảo đã phải gửi gắm ở khắp nơi thân tín. Mãi đến những năm 2000, Ông mới thu thập lại được, và nhận thấy, Làng nghèo không còn hợp thời, nên đứa con ấy được khoác tấm áo đẹp hơn, không chỉ là chuyện kháng chiến, mà cao hơn đó là chuyện văn hóa việt, văn hóa làng!”

Nhờ đó mà chúng ta có được một MẪU THƯỢNG NGÀN như ngày hôm nay. Qua những lời văn chau chuốt, ngọc ngà mà vẫn rất tự nhiên, nhân vật chính là Văn hóa việt dần hiện lên lung linh với những mảng ghép là chính những con người trên mảnh đất đó, được làm sáng tỏ hơn bởi những con người đi “khai phá” nhằm đem lại “văn mình” cho chính xứ sở này, thậm chí là cả những “chú khách” mà tổ tiên của họ đã “ghé thăm” chúng ta hàng 4000 năm có lẻ!

Đạo mẫu với những buổi hầu đồng được phô bày trong bầu không khí linh thiêng, thuần khiết, chứ không hề xô bồ, cuống tín như bây giờ. Rồi những nhân vật với cảm xúc được đẩy lên tột đỉnh, rất đời, mà không hề dung tục! Không thể quên cuộc hội ngộ của bà ba Váy với anh Phác ngày xưa với Trịnh Huyền ngày nay ở trong mỏ nấm, hay đêm động phòng của đôi vợ chồng trẻ Nhụ – Điền, và cả cô Mùi với những 3 đời chồng với những thăng hoa đẹp…

Về mặt lịch sử, qua Mẫu Thượng Ngàn, ta thấy thấp thoáng việc xây dựng Nhà thờ lớn ở Hà Nội, việc mở đồn điền của các ông chủ người Pháp,việc Đạo Thiên chúa được mở rộng và đi sâu vào xã hội việt nam.v.v.v. thể hiện rõ quan điểm “xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa, phục vụ cho chính quốc”, mà chúng ta sẽ thấy rất rõ ở XỨ ĐÔNG DƯƠNG – hồi ký của vị toàn quyền Đông dương lúc đó là PAUL DOUMER, mà Dự án đã giới thiệu…

Xin trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.