Với tác giả Hữu Ngọc, Sách nhà mình đã trân trọng cùng lần giở, đọc, và chia sẻ bộ sách quý CẢO THƠM LẦN GIỞ với gần 100 bài viết trong suốt năm 2019.
Và vẫn như lần đầu chia sẻ, đối với bậc đại thụ như Nhà văn hoá Hữu Ngọc, tự nhận vốn hiểu biết còn nông cạn, nên Sách nhà mình xin trích dẫn lại Lời nhà xuất bản, môt phần nội dung rất hay, trong lần giới thiệu bộ sách quý tiếp theo của Ông.
LÃNG DU TRONG VĂN HOÁ VIỆT
Để bạn đoc có cơ hội tiếp cận gần hơn với kho kiến thức quý giá này.
————————-
Bạn đọc thân mến,
Có một học giả sinh năm 1918, đến nay đã tròn trăm tuổi: Nhà văn hoá, nhà văn Hữu Ngọc. Ở tuổi “đại thọ”, sức di, sức viết của Hữu Ngọc vẫn còn dồi dào. Hữu Ngọc đã chu du tới nhiều nền văn hoá, thành thạo tiếng Pháp, Anh, Đức, dùng được chữ Hán. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về phong tục, nét văn hoá đặc sắc của các quốc gia trên thế giới.
Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn Lãng du trong văn hoá Việt Nam của học giả Hữu Ngọc. Cuốn sách tập hơp các bài báo ông viết cho tờ Vietnam News số Chủ nhật trong vòng 13 năm. vừa là cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hoá Việt, một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ về văn hoá xứ sở tiên rồng. Đọc Lãng du trong văn hoá Việt Nam, ta trân trọng một Hữu Ngọc nhạy cảm và tinh tế khi bàn về văn học nghệ thuật. sắc bén và thấu đáo với tác phong làm việc hoa học, chính xác, cung cấp số liệu đa chiều, so sánh, đối chiếu cặn kẽ mà xúc tích không quá tỉa tót nhưng vẫn tránh được lối “cưỡi ngựa xem hoa”.
Lần xuất bản này, ban biên tập dựa theo bản in năm 2014(tái bản lần thứ 3, có bổ sun) của NXB Thế giới. Đây là bản in được học giả Hữu Ngọc giới thieu, đầy đủ và chính xác nhất. Lãng du trong văn hoá Việt Nam gồm 357 bài, được chia thành 3 tập:
Đất Việt (103 bài),
Lịch sử – Truyền thống(150 bài)
Văn hoá – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật(122 bài)
Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc “cái thú” khi là người Việt tìm hiểu về văn hóa Việt qua một cuốn sách khởi nguyên dành làm cầu nối giới thiệu đất nước, con người Việt tới bạn bè quốc tế. Lần giở Lãng du trong văn hoá Việt Nam, biết đâu bạn đọc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hoá – những điều chưa trải, những điều trải chưa sâu, những vẻ đẹp không nhiều khi rực rỡ mà lắm lúc vì quá bình dị và quen thuôc nên chưa được lưu tâm. Qua đó, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hoá dân tộc, để bước vào thời kì hội nhập “hoà nhập nhưng không hoà tan”, hiểu văn hoá xứ sở mình song hành cùng tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.
Trong quá trình biên tập, nhận được sự đồng ý của tác giả, cách viết, cách trình bày được chữa cho phù hợp với tiếng Việt hiện tại và đối tượng động giả của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Xin trân trọng mời bạn đọc thực hiện cuộc lãng du trên đất Việt có bề dày văn hoá hàng ngàn năm lịch sử”
Trân trọng./.
THÙY DƯƠNG