ĐẢO HOANG
Tranh và lời: Văn Minh
Chuyển thể từ tác phẩm Đảo Hoang của Nhà văn Tô Hoài
Đố các bạn biết, tại sao Sách nhà mình lại liên tưởng đến Mai An Tiêm(Sự tích quả dưa hấu), Lớn lên trên đảo vắng (sách dịch), khi đọc cuốn sách này nhỉ?
Giữa cổ tích Mai An Tiêm và Đảo hoang, cả hai đều nói đến nhân vật Mai An Tiêm, chịu khó, khỏe mạnh, tin tưởng vào sức người, sức dân có thể tạo thành sức mạnh để chế ngự thiên nhiên. Và Cuộc sống trên đảo hoang, do bị lưu đày, Mai An Tiêm càng chứng tỏ quan điểm đó của mình là đúng đắn. Hơn thế nữa, trong sự vật lộn để sinh tồn, nhờ tài quan sát và óc phán đoán, con người khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thấy ấy còn tìm được giống dưa mới, rất ngon và bổ, đem lại nhiều lợi ích. Có thể Nhà văn Tô Hoài đã mượn cốt chuyện cổ tích này để dựng lên tác phẩm có nhân vật, có chi tiết này của mình. Nhà văn còn sáng tạo thêm tình tiết của Mon – cậu con trai của Mai An Tiêm, cùng hai chú gấu, đã đem lai sự gần gũi, hấp dẫn các bạn nhỏ.
Giữa Đảo hoang và Lớn lên trên đảo vắng thì sao?! Các tác giả đã khắc họa rất chi tiết và sinh động cuộc sống trên đảo hoang của một gia đình, dù chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng lại toát lên điểm chung quý báu. Đó là tình yêu thương lẫn nhau, cùng nhau vượt mọi khó khăn, gian khổ, đặc biệt là khả năng chống chọi, chế ngự trong hòa hợp với thiên nhiên, để tạo ra một cuộc sống no đủ, an toàn, đẹp! Chẳng thế mà mình có xếp hai cuốn này vào dòng Kỹ năng sinh tồn đáng để học tập.
Vậy đó, cả ba cuốn đều là những bản hòa ca đẹp đẽ giữa những khốn khó bất ngờ không thể tránh, có thể xảy ra với bất cứ ai! Đọc để cảm nhận và học hỏi…
Trân trọng giới thiệu./.
THÙY DƯƠNG