Dải đất miền thương nhớ

Qua những trang sách, truyện, hồi ký của những cây bút Việt.

Bắt đầu từ một làng quê đặc trưng của vùng Bắc Bộ Việt Nam những năm 40 của thế kỷ 20 đẹp như tranh vẽ, MIỀN THƠ ẤU là cả một bầu trời ký ức của nhà văn Vũ Tự Hiên, thông qua Thư – một cậu bé thông minh, có óc quan sát tinh tế và sắc sảo, tốt tính, ngay thẳng, lại được hưởng sự dạy dỗ chỉn chu bài bản từ gia đình, đã thu vào tầm mắt mình cả một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước.

Truyện được kể một cách nhẹ nhàng, điềm đạm nhưng vô cùng cuốn hút, cầm sách lên là không dứt ra được. Những câu chuyện vừa quen thuộc, vừa thú vị, hấp dẫn cứ nhẹ nhàng từ tốn mở ra. Cả một làng quê ngàn đời vừa yên ả vừa sóng gió được miêu tả vừa đẹp vừa đau buồn.

Một tác phẩm đáng đọc, chứ không chỉ là tò mò vì những tranh cãi liên quan đến tác giả của tác phẩm này! Tác phẩm do Kim Đồng phát hành đầu tiên, khổ nhỏ. Mới đây là do Phan Book phụ trách. Và rất tiếc là hiện giờ truyện đã hết và chưa có thông tin tái bản.

Từ xứ đạo Ninh Bình vơi nhà thờ đá Bùi Chu – Phát Diệm, trở về Thủ đô của những năm 74-75, MIỀN HOANG TƯỞNG của Nguyễn Xuân Khánh, đồng tác giả của Anh thợ khóa, Đội gạo lên chùa hay Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly, lại gây xôn xao văn đàn và khiến vô số người liên quan lao đao!!!

Sau cơn bão, nhà văn giãi bày:

“Thế hệ chúng tôi phải trải qua tất cả nỗi đau thương, gian truân của đất nước. Những biến động ghê gớm như thế dội vào đời sống của toàn dân tộc và của từng cá nhân. Nhất là chúng tôi là lũ học sinh của Hà Nội, tầng lớp trung lưu của Hà Nội…

Thế nên Hoang tưởng trắng là những thắc mắc, lo toan đối với thời cuộc chứ không đơn thuần là chỉ tả hiện thực. Ở đây có cả đổi mới về hình thức khi tôi cố gắng đưa phân tâm học Freud vào.
….
Nghĩa là trong mỗi xã hội, mỗi con người đều có thiện ác. Quan trọng là con người cần vươn tới cái đạo chung…”.

Nguyễn Xuân Khánh cũng là nhà văn cùng thời với Vũ Tự Hiên, cuộc đời cũng mấy mươi thăng trầm….Điểm chung của hai tác giả là lối văn chau chuốt, ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh, hơn hết là đau đáu nỗi niềm!

Thoát khỏi không gian bao trùm suy tư, trĩu nặng, thả hồn bay về MIỀN SƯƠNG KHÓI

Đà Lạt ơi, có nghe chăng Camly…

Đà Lạt không còn mộng mơ, không còn vương vấn như mối tình dang dở, không hẳn nơi nơi đều lãng đãng như hồi nào…

Thực sự, một MIỀN SƯƠNG KHÓI chỉ còn lại trong ký ức trong hoài niệm của những người cũ và những người muôn năm cũ.

MIỀN SƯƠNG KHÓI là một tuyển tập những giai phẩm về Đà Lạt, bao gồm cả truyện ngắn, cả tản văn, biên khảo, hồi kí của những văn nghệ sỹ đã từng một thời gắn bó với Đà Lạt. Phần lớn trong số họ đã trải qua những dặm dài gió thổi “long đong theo bóng chim gầy”.

Nhưng dù được thể hiện dưới bất cứ một hình thức nào, thì những bài viết trong MIỀN SƯƠNG KHÓI cũng mang đậm màu Đà Lạt!

Rời cao nguyên Lâm Đồng về Sài Gòn phồn hoa, gặp ngay “Ủ một miền thơm”- là những ghi chép tản mạn của Vũ Thượng về Sài Gòn- một cái nhìn trong trẻo, lắng sâu như khúc hát tâm hồn, để lại một “miền thơm” đầy dư âm nơi độc giả.

Nhưng “miền thơm” ấy không chỉ là cỏ hoa dưới chân, chiếc lá non bên bậu cửa, con cá chép miệng dưới sông hay chú se sẻ lích chích rất khẽ trên cành mà còn là cả những thăng trầm, những bước ngoặt, những lối rẽ. Vượt qua và biết buông bỏ, biết sống vô ưu.

“Tập thiền, đi được bước chân đầu tiên là khi không còn tức giận. Giữ cân bằng thân- tâm, để thấu hiểu mọi điều đến với mình là do mình… Có một sớm thức dậy, thiền xong, tự dưng không còn cảm giác giận được ai. Những thanh âm bình thường chát chúa, bỗng chỉ thoảng ở đâu đó xa xa. Cứ bỏ bớt một cái gì xuống, là lại nhẹ hơn, đơn giản vô chừng…”

Miền nhớ của Đoàn Bảo đưa độc giả về làng Dềnh – một vùng quê Bắc Bộ thời cải cách ruộng đất…Đẫm nước mắt, nhưng những gì trong trẻo của một thời tuổi thơ, ở một làng quê, trong vòng tay gia đình, vẫn là điểm sáng về tình yêu quê hương tha thiết

Và nếu như Thương nhớ mười hai là trải lòng với một Hà Nội của Vũ Bằng, hay Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, là chỉ riêng Hà Nội hào hoa, tinh tế,

Hay Miền gái đẹp, ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa độc giả về với miền sơn cước Tuyên Quang,

Thì tới Nhất Linh – Cha tôi, Hà Nội, Hải Dương, Đà Lạt, Sài Gòn, dần dần được hé mở qua qua bước chân phiêu du của một thất tinh Tự lực văn đoàn. Vậy thôi, nhớ đến Nhất Linh là nhớ đến một văn sỹ toàn tài, thế là trọn vẹn!

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.