Không dễ gì mà đặt bút viết về Nhà văn hóa Hữu Ngọc – một học giả xuất sắc của Việt Nam được Thế giới ghi nhận như “một người bắc cầu giữa các nền văn hóa”!
Mà hãy khám phá “cuộc hành hương” “qua thư tịch” của Ông, ” đi gõ cửa các danh nhân thế giới để tìm câu giải đáp cho câu hỏi”: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đang đi đâu?…
Ấy đã là một niềm hạnh phúc và bài học lớn lao cho mỗi chúng ta rồi!
Bắt đầu từ ngày hôm nay, 21.4.2020, Dự án Sách nhà mình sẽ mỗi ngày gửi tới bạn đọc một trích dẫn trong bộ sách quý này! Mời các bạn thưởng thức!
———————
Về Nguyễn Du với Truyện Kiều
Cảo thơm lần giở trang 116, cụ Hữu Ngọc có viết: “Người ta có thể không đồng ý với chính sách bảo hoàng thủ cựu của học giả Phạm Quynh nhưng không thể không đồng ý với nhận định của ông:
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”
Nói như vậy có nghĩa công nhận ngôn ngữ là thành tố quan trọng của bản sắc dân tộc. Truyện Kiều phản ánh trung thực bản sắc dân tộc Việt. Có những dân tộc rất lâu không có lãnh thổ mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc do giữ được ngôn ngữ, như Do Thái, Phần Lan”
Và cũng chính Cụ cũng đã không ngần ngại khi được hỏi “Thế còn nhà văn đại diện cho Việt Nam là ai”, với câu trả lời là ” Nguyễn Du, cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19″, vì không có tác phẩm nào dài hơi và có tính nhân văn phổ biến mà rất Việt Nam như Truyện Kiều.
Trân trọng./.
THÙY DƯƠNG