Chuyện khi hạ tới

Một trong những cuộc trò chuyện ý nghĩa nhân dịp giỗ Tổ năm nay của mình là trò chuyện online với một số bà mẹ Việt xa xứ, muốn tìm sách Tiếng Việt cho con. Có nhiều điều bất ngờ.

Tâm lý chung của người lớn chúng ta nói chung, của những ông bố bà mẹ xa Việt Nam nói riêng, là muốn con đọc thêm sách Tiếng Việt để được thực hành tiếng Việt. Sâu xa hơn nữa là qua đó, họ sẽ níu giữ được phần nào nét văn hoá, lịch sử Việt tới các thế hệ không sinh ra, hoặc rời xa quê hương Việt Nam từ khi còn thơ bé.

Ban đầu, mình tư duy ngay tới những cuốn lịch sử, văn hoá ít chữ, có lồng tranh thât đẹp, thể hiện thật đặc sắc cái riêng có của Việt Nam, của Hà Nội như Lược sử nước Việt bằng tranh, Hà Nội ngàn năm kí ức, Truyện tranh các nhân vật lịch sử, sách Tết cho thiếu nhi; hay những cuốn văn học thuần Việt của các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi thật đặc sắc: Võ Quảng, Trần Đức Tiến, Trần Đăng Khoa.v.v..v. Bên cạnh đó, mình vẫn có ý thức đan cài những cuốn sách dịch gần gũi với các em như các câu chuyện về thế giới loài vật, các cuốn sách khoa học kết hợp với tranh. Thực tế là mình đã áp dụng tư duy đó khi dựng danh mục và gửi sách cho không ít các bạn nhỏ khác ở Nhật, ở Úc.

Nhìn ra xung quanh, cũng có một cộng đồng các bà mẹ Việt trên toàn cầu đã lập ra hệ thống sách online với tên Mọt, cũng với tinh thần lan toả những cuốn sách tiếng Việt tới các bạn nhỏ của chúng ta ở các châu lục trên thế giới, tiêu chí cũng không khác gì những điều mình vừa nêu trên. Ngoài ra, các bạn còn tổ chức các cuộc thi kể chuyện nhân các dịp Lễ Tết của Việt Nam. Đó là cách để lan toả và giữ gìn tiếng Việt thật đáng trân trọng!

Tuy nhiên, qua theo dõi từ nhiều phía cũng như những buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn với những người mẹ mặc dù bận rộn nhưng luôn đau đáu nỗi niềm với tiếng Việt, với đất nước quê hương, với việc chăm sóc những đứa con có thể biết đến mấy thứ tiếng một lúc, không thường xuyên nói tiếng Việt, mình lại có một suy nghĩ khác. Và khi đó, mình lại điều chỉnh lại toàn bộ dòng sách cho đối tượng đặc biệt này:

Sách dịch chau chuốt, từ ngữ sáng đẹp và lời văn mượt mà, chủ đao là dòng văn học, khoa học và kỹ năng, sẽ là trọng tâm; sách về lịch sử, văn hoá, địa lý Việt giảm bớt và cần thêm cách để cha mẹ tương tác.

Vậy làm thế nào để trẻ hứng thú với những cuốn sách tiếng Việt về lịch sử, văn hoá, địa lý Việt Nam? Mình sẽ chia sẻ kĩ sau phản hồi của các gia đình khi áp dụng những gợi ý của mình để cùng các bạn nhỏ tiếp cận dòng sách này.

Còn bây giờ, mời các bạn cùng xem, CHUYỆN KHI HẠ TỚI, một cuốn trong bộ Miền dâu dại, bộ sách văn học dịch, đáng yêu thế nào nhé!

Chúc cả nhà một tuần làm việc mới thật vui!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.