Có rất nhiều những cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ trong cuộc đời này, có khi là tình cờ, khi lại là có chủ đích, nhưng tựu trung, tất cả đều đem lại cho ta nhưng dư âm, những xúc cảm mãnh liệt. Với tôi, thông tin về Cụ qua một chương trình của VTV, đã thôi thúc tôi bằng được phải sớm có buổi gặp gỡ này, vì thời gian, đâu có chờ đơi ai, nhất là với thế hệ như Cụ, đã hơn 80 mùa xuân trên cõi đời!
Xuống xe, mắt dảo quanh một không gian kiến trúc rất đẹp, mặt trước của Nhà thờ Đức Bà (không bị che chắn như bốn bề xung quanh vì đang sửa chữa) tráng lệ và cổ kính, ngay kế bên tòa Bưu điện Thành phố bề thế mà duyên dáng, lòng ngập tràn niềm vui! Chưa dừng lại, niềm vui đó lại tiếp tục trào dâng, khi tôi nhìn thoáng nhìn thấy một cụ Ông lưng còng, xách một túi nhỏ nilong màu xám, đang từ từ bước vào khu vườn cây phía bên hông tòa bưu điện. Chầm chậm, rất chậm, Cụ mắc cái túi xám vào cái móc trên tường rào sắt, khẽ khàng tiến vào khu vườn, ghé xuống, mở vòi nước, cẩn thận lấy nước lau gương mặt già nua và vuốt cho mái tóc bạc thật thẳng thớm. Tôi bỗng thấy hình ảnh luôn chau chuốt, cẩn thận từ những thứ nhỏ nhất của Ông Nội mình!
Tôi vui mừng tiến lại chào Cụ, đúng là người tôi đang muốn gặp. Cụ hồ hởi, vui vẻ, vì Cụ cho rằng, công việc của Cụ bình thường thôi, và trong số bạn bè trang lứa của mình, Cụ cũng chỉ thường thường, không phải xuất sắc gì cả đâu, nhưng vì sống lâu, nên được mọi người biết đến, mọi người hỏi thăm! Cụ vui vì được mọi người quý mến, được mọi người nhớ tới mình. Niềm vui thật giản dị mà cũng thật lớn lao. Chẳng phải chúng ta cũng chỉ cần thế sao?! Thêm cả sự minh mẫn và dẻo dai của Cụ, ở cái tuổi gần đất xa trời này nữa. Cụ vẫn đi xe đạp hàng ngày từ nhà, phía sau sở thú, đến đây, lấy đồ nghề ra bày trước quầy số 4, ai mướn thì làm, không thì cũng xứ quanh quẩn ở nơi đấy, cơ quan cũ của Cụ đã hàng chục năm gắn bó. Tôi thực sự xúc động khi nhận thấy, ngoài cái túi nilong rất nhẹ kia, đồ nghề của Cụ ở chính trong cái túi đen rất nặng để tại trung tâm bưu điện, và mặc nhiên sẽ có một bạn nhân viên xách ra khi Cụ đến, cất đi khi Cụ về. Tôi thầm nghĩ, chắc chắn, đến ngày mà Lá rụng về cội những thứ trong những cái túi xách này sẽ được trưng bày ở một nơi nào đó, hay nhất là ở một góc của bưu điện thành phố này.
Cụ kể cho tôi nghe về 3 chiếc đồng hồ, 2 cái hiện đang treo ở thành phố này, cái còn lại ở Bưu điện Hà Nội. Đồng hồ không số, chạy bằng điện, có bảng điều khiển ở phía dưới hầm. Ơ, thế khi mất điện, là khỏi chạy hả Cụ? Cụ mỉm cười hiền hậu, có một phòng phát điện dự phòng, không bao giờ mất điện cả. Ngoài ra, còn có cái bảng điều hiển nưa, muốn nhanh hay chậm, phía dưới sẽ điều khiển. Có một đường hầm chạy dài dưới tòa nhà này, nhưng Cụ cũng chưa được vào. Còn sàn gạch bông này, cũng trên trăm tuổi, mà vẫn sáng bóng như xưa. Hai tấmbản đồ phía hai bên cửa cũng ngót nghét thế, tên cổ xưa: Sài Gòn Gia Định….
Rồi Cụ biên những dòng thơ vào sau những tấm bưu thiếp tôi dành tặng những người thân yêu, công việc quen thuộc của Cụ. Bức thì bằng tiếng việt, bức tiếp Pháp, chỉn chu từng con chữ, câu từ. Trước khi viết, Cụ cũng hỏi kỹ càng xem thư gửi cho ai, xưng hô thế nào, rồi lại ngắm nghía tấm hình, rồi mới đặt bút. Ngày tháng năm, thưa gửi, rồi thân, đến kết, chuẩn chỉ từng con chữ. Văn phong viết và văn nói, khác nhau rõ rệt, rất vui vì được nghe Cụ chia sẻ về vấn đề con con, mà lại vô cùng to lớn này, nhất là trong thời đại ngày nay.
Đến với Cụ bằng sự nổi tiếng của Cụ, mình neo lại ký ức về môt con người giản dị, khỏe mạnh cả về sức lực và trí lực, luôn vận động để thấy mình còn có ích trên cuộc đời này, vì tình yêu thắm thiết với cuộc đời này!
Bưu điện trung tâm thành phố, T6.2019!
THÙY DƯƠNG