Trẻ tự chơi và thêm phần yêu sách
Đó chính là những cuốn sách có tính tương tác cao như thế này: đố và đoán. Trong buổi ghi hình hôm thứ 7, Bo Bống tự lấy cờ lịch sử ra chơi cùng nhau, rồi Quize _ Trắc nghiệm toàn diện về Bách khoa tri thức, sau đó là Câu đố dân gian bằng tranh. Hàng ngày, các bạn ấy bao giờ cũng có hoạt động đố nhau như vậy.
Nói riêng về CÂU ĐỐ DÂN GIAN, một bộ sách nhỏ xinh gồm nhiều cuốn, với đủ các chủ đề: Loài vật, thiên nhiên, cây cối, hoa quả (mình không nhớ chính xác, sẽ kiểm chứng lại từ Kim Đồng), mình cũng hay ghé vào cuộc chơi của các bạn ấy vào lúc mắc màn, chuẩn bị đọc truyện trước giờ ngủ, có nhiêù câu dễ, nhưng cũng nhiêù câu hại não đấy cả nhà, vì dải tuổi dành cho 3+.
Về nội dung, theo Kim Đồng, và mình hoàn toàn đồng ý, “câu đố dân gian Việt Nam khắc hoạ hình ảnh thế giới muôn màu một cách sinh động, diễn tả các sự vật, hiện tượng với hình thức phong phú , hấp dẫn và giàu trí tuệ. Bằng việc chỉ ra những đặc điểm nổi bật của sự vật hiện tượng, câu đố giúp người đọc, người nghe xong thể phân tích, phán đoán, liên tưởng chính xác. Câu đố dân gian cũng là cách dạy con trẻ quan sát và liên tưởng mà ông cha để lại cho muôn đời sau”.
Về hình thức, điểm chung của cả bộ là ngôn từ trong sáng, tiết tấu thơ tự do hoặc lục bát nên rất vui tai và uyển chuyển, lại thêm hình và to và đẹp, cộng điểm cho cả phần giải thích ngắn gọn nữa. Nét chữ bay bướm theo lối viết xưa đẹp mắt, dễ đọc, nên các bạn lớp 1 hoàn toàn có thể dùng để tập đọc nhé!
Đây là 2 cuốn mẹ cháu bắt gặp bên lọ loa kèn sáng nay. Đố nhau suốt ngày, lần lượt thay vai, mẹ tha hồ làm việc riêng. Ai đố thì mở sách, ai đoán thì ôm mèo hoặc đôi khi là cả chồng cây chuối.
Nào, thử thách đầu tuần, đố các bạn nhé (cách chơi giấu chủ đề, cho tăng độ khó)
Ríu ra ríu rít
Mẹ ít con nhiều
Hễ thấy bóng diều
Hết con, còn mẹ.
Chào tuần mới vui vẻ!
THÙY DƯƠNG