Vang bóng một thời

Kết lại tháng 3, mình được một bạn đọc đã lâu không liên lạc tặng đôi vé xem kịch tại Nhà hát lớn. Mới chỉ nghe tên tác phẩm và đơn vị tổ chức, mình biết, cần phải sắp xếp mọi kế hoạch để kịp lên phố để thưởng thức buổi diễn này. Và mình đã được thoả mãn! Một đêm diễn ấn tượng.

Ban đầu là sân khấu. Lệ Ngọc luôn làm rất chỉn chu ở hình thức trình bày. Mình xin nói thêm, đây là lần thứ hai được đi xem kịch của Sân khấu Kịch Lệ Ngọc. Vở trước cách đây mấy năm là Tấm Cám, có cả hai bạn nhỏ đi cùng. Sân khấu Lệ Ngọc luôn long lanh và toát lên chất của vở kịch. Nếu như ở Tấm Cám, hình ảnh dân giã thôn quê với cái giếng, hàng câu, quả thị.v.v.v.đều rất trong trẻo, thì ở VANG BÓNG MỘT THỜI, chỉ trên một không gian ấy, một số đạo cụ ấy, mà các bối cảnh biến hoá khôn lường, tạo cảm giác tù túng, đối lập, tranh đấu.

Tiếp đó là cách diễn xuất của các nhân vật, từ chính đến phụ, đều hết sức tài tình. Đó là Quản ngục tàn bạo, độc ác, thường xuyên phải tranh đấu với bản thân để dung hoà giữa việc và gia đình, cuối cùng là hành trình hướng thiện ấn tượng. Đó là người vợ của quản ngục, một người vợ đảm đang, chu toàn và tâm đức, làm tất cả những điều đúng đắn, tốt đẹp để kéo chồng trở về cái chân thiện của cuộc đời. Đó là Huấn Cao, đương nhiên rồi, cao lớn, tài năng, thành cao, toát lên từ dáng đi, lời nói, đặc biệt là màn múa chữ tĩnh tâm mà đầy nội lực, khiến người xem bị hút vào một thế giới bay bổng, phiêu du của cái đẹp, nhìn bằng mắt, cảm bằng hồn! Đó là ngục tốt ham học hỏi, là thày chém say mèm, với kĩ thuật chém trở thành thuật và những lời nói để đời!.v.v..

Kế tiếp phải nói đến sự sáng tạo tuyệt vời của kịch bản. Có thể ở đoạn trên, bạn sẽ giật mình khi đọc về quản ngục, so với tác phẩm Chữ người tử tủ, chỉ giống tác phẩm văn học ở đoạn xin chữ. Theo tôi, tác giả đã rất thành công khi đem hơi thở của cuộc sống hiện tại vào nhân vật quản ngục ở nửa độc ác, chuyển hoá bản thân do yếu tố ngoại cảnh tác động. Nhưng cuối cùng cũng biết hướng về cái gốc rễ tốt đẹp mà mỗi con người ai cũng nên có. Tính đời được thể hiện rõ ở đây, trong khi vẫn giữ được ý cốt lõi của tác phẩm gốc. Đó chính cách kéo dài sự sống của tác phẩm đến độc giả ở thời đại sau. Ngoài ra, hình ảnh chiếc lư đồng với màn diễn xuất tuyệt vời của người vợ đầy trăn trở, lo lắng về công việc của chồng, về cuộc sống gia đình.vv..v cũng khiến khán giả, đặc biệt những người phụ nữ rơi nước mắt. Còn ai đã từng yêu văn Nguyễn Tuân thì sẽ nhớ đến một tác phẩm nữa cũng rất hay của Ông!

Âm nhạc cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công tác phẩm. Vở diễn này cũng đã đạt được điều đó, mặc dù xuất hiện khá khiêm tôn trong tổng thể vở diễn.

Duy chỉ có một điều đáng tiếc là một số ít khán giả. Mặc dù trên vé đã ghi rất rõ: trang phục lịch sự, không kèm trẻ em và không chụp ảnh, tắt chuông điện thoại; nhưng không ít khán giả đã không tuân thủ. Trẻ con khóc, điện thoại reo, thanh thiếu niên mặc soóc vào Nhà hát lớn, duỗi và gác chân lên ghế trước (hẳn là phòng Vip). Đây là điều không hiếm ở các buổi biểu diễn, cả kịch, nhạc.

Lại nhớ đến không khí sống trong nghệ thuật, trong cái đẹp của ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRÊN CHÂU ÂU, khán giả được rèn luyện liên tục và trở thành những khán giả khắt khe nhất, khiến các Nghệ sỹ luôn phải chỉn chu, vươn tới đỉnh cao các gìn giữ nó, cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.

Nguyễn Tuân cũng là Người tôn thờ cái đẹp, là Nhà văn “nghệ thuật với nghệ thuật”, cũng là thông điệp mà buổi biểu diễn muốn truyển tải tới người xem.

Cảm ơn Sân khấu kịch Lệ Ngọc, cảm ơn các Nghệ sỹ đã đem đến cho công chúng một tác phẩm hay.

Cảm ơn bạn đọc đã luôn nhớ tới mình có đam mê với văn hoá nghệ thuật mà tặng vé.

Khép lại tháng 3 thật đẹp của năm 2022.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.