Triết học tự cổ chí kim

CUỐN SÁCH ĐÁNH THỨC “ĐỨA TRẺ TRIẾT GIA” TRONG BẠN

Một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỉ 20, Ludwig Wittgenstein từng so sánh các triết gia với những đứa trẻ. Họ dùng bút chì viết những nét nguệch ngoạc lên tờ giấy trắng, rồi hỏi: “Đây là gì?”

Từ thưở hồng hoang của các nền văn minh, con người tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Thales coi nước là căn nguyên của vạn vật. Heraclitus lại cho đó là lửa. Trọng tâm tìm hiểu của triết học lúc này là vũ trụ, là tự nhiên – những gì nằm bên ngoài con người nhỏ bé. Thế rồi, con người dần lớn khôn, sự tò mò cũng mở rộng, hướng về đạo đức, lẽ công bằng, gia đình, quốc gia và mối quan hệ giữa người với người.

Sau hàng thế kỉ mải miết theo đuổi những lẽ huyền diệu, “đứa trẻ” trở về với câu hỏi căn bản nhất nhưng cũng dai dẳng nhất: Như thế nào là một “con người”? Tồn tại là gì, và làm thế nào để sống một cuộc đời ý nghĩa?

Cứ như vậy, “đứa trẻ triết gia” chuyển từ sự tò mò hướng về bên ngoài, sang những trăn trở suy tư về chính bản thân mình, về cách mình suy nghĩ, tư duy và vai trò của mình trong thế giới này.

Từ “triết học” trong tiếng Anh là “philosophy”, vốn bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ đại philosophía, nghĩa là “tình yêu trí tuệ”. Con người bẩm sinh hiếu kì và khao khát tri thức, do vậy bất cứ ai cũng có thể trở thành một triết gia. Chỉ cần có một câu hỏi nào đó khiến bạn đủ đau đáu và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho nó là bạn đã sống một “đời sống triết học” rồi.

Các triết gia được giới thiệu trong cuốn sách TRIẾT HỌC TỰ CỔ CHÍ KIM cũng như vậy. Tất cả đều bắt đầu từ một câu hỏi, đôi khi giản đơn đến không ngờ. Cuốn sách không đi theo hướng giới thiệu từng triết gia rồi giải thích về các công trình của họ, mà giới thiệu những khái niệm, ý tưởng, quan điểm có sức ảnh hưởng lớn trong dòng chảy lịch sử triết học phương Tây.

Thú vị hơn nữa, đây hoàn toàn không phải một cuốn sách lịch sử triết học khô khan, với đủ những thuật ngữ rắc rối, “xoắn não”, mà là một cuốn sách tranh hài hước, nhẹ nhàng, thích hợp đọc để giải trí, thư giãn.

Triết học đi cùng giải trí ư? Nghe mới kì lạ làm sao! Thực chất, chúng ta chỉ thay đổi cách tiếp cận mà thôi. Và cách tiếp cận của TRIẾT HỌC TỰ CỔ CHÍ KIM chắc chắn sẽ giúp bạn “vỡ lẽ” ra nhiều điều.

Như Newton từng “đứng trên vai những người khổng lồ” trong lĩnh vực vật lí để đạt được thành tựu truyền đời, hãy cùng lật giở từng trang sách của TRIẾT HỌC TỰ CỔ CHÍ KIM để hiểu được những “người khổng lồ” triết học trăn trở những điều gì, qua đó có được những cách nhìn khác về thế giới và đặt những viên gạch đầu tiên cho “con đường triết học” của riêng mình nhé!

Thông tin từ Kim Đồng – Tri thức trẻ

Xin được chia sẻ./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.