Hành trình “Tiếng việt của em”
Đây là một nội dung trong chương trình học Tiếng Việt, có ngay từ những năm Tiểu học, và tiếp tục được đào sâu hơn ở các cấp học trên. Mục đích là để người học hiểu rõ nghĩa của từ, qua đó vận dụng linh hoạt vào lối diễn đạt, sao cho truyền tải tốt nhất thông điêp của mình tới người nghe, hoặc người đọc.
Điều này đúng với bất kì việc học ngôn ngữ nào. Nhưng đối với tiếng mẹ đẻ, việc nắm chắc nội dung câu, từ càng được coi trọng hơn. Đây được xem như là một điều thiết yếu.
Ở bài viết này, Dự án Sách nhà mình xin hệ thống vắn tắt nội dung phân loại TỪ ĐỒNG NGHĨA – TRÁI NGHĨA; đồng thời đề xuất một vài hoạt động phù hợp với các bạn cấp 1 để các bạn nhỏ tiếp thu nội dung này một cách vui vẻ, thoải mái, hỗ trợ vào nội dung hoc chính khoá trên lớp cùng các thầy cô.
PHÂN LOẠI TỪ ĐỒNG NGHĨA, TRÁI NGHĨA
Trước tiên, các bạn nhỏ lớp 2 sẽ được làm quen với TỪ TRÁI NGHĨA. Hẳn là dễ nhận biết, vì trái nghĩa là ngược lại hẳn nhau, mang tính đối lập. Bạn nhỏ nào cũng có thể biết các căp từ: cao-thấp, béo-gầy, mưa-nắng, đỏ – đen.v..v.v
Ở nội dung TỪ TRÁI NGHĨA, không có sự phân loại chi tiết. Mục đích của việc sử dụng cặp từ trái nghĩa giúp lời nói hoặc văn cảnh nổi bật lên dụng ý của tác giả. Ví dụ:
“Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây”
Cặp từ trên – dưới rõ ràng tạo ra độ sâu cho bức tranh trắng muốt môt màu.
Nhưng sang TỪ ĐỒNG NGHĨA, là những từ dùng để biểu thị một nội dung giống hệt/gần giống nhau, có vẻ mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút. Đó cũng chính là lý do đến lớp 5, nội dung này mới được đưa vào chương trình học.
Có nhiều tiêu chí để phân chia, nhưng Sách nhà mình nhận thấy cách phân chia ĐỒNG NGHĨA HOÀN TOÀN và ĐỒNG NGHĨA KHÔNG HOÀN TOÀN có vẻ đơn giản và khái quát hơn cả.
Đồng nghĩa hoàn toàn là những từ viết khác nhau, đọc khác nhau, nhưng có thể dùng thay thế nhau, mà nội dung và sắc thái câu từ không có gì thay đổi. Ví dụ: mẹ – má- bầm; vắng vẻ – hiu quạnh; bát ngát – mênh mông; đất nước – quê hương.v.v.v..
Đồng nghĩa không hoàn toàn là những từ cùng biểu đạt một ý nhưng có độ khác nhau về sắc thái biểu đạt, nên phải cân nhắc chọn lựa cho phù hơp với văn cảnh. Ví dụ, cùng nói đến cái chết, có các từ: hi sinh, từ trần, tạ thế, khuất núi, toi mạng.v.v.v.
Lên các lớp cao hơn, sự phân loại này sẽ đi vào chi tiết hơn nữa, mở rộng hơn nữa. Mục đích chính là tạo ra vốn từ phong phú và tạo tính chủ động cho người dùng khi sử dụng vốn từ đó vào cuộc sống, công việc hàng ngày.
Có lẽ, thời gian qua, nội dung này không được đánh giá cao, lại thêm tâm lý sính ngoại, nên dẫn đến hiện trạng viết sai chính tả, sai cú pháp tràn lan ở các thể loại văn bản.
Tổng thống Churchill của Anh, người có tài diễn thuyết với khả năng ngôn ngữ đặc biệt, đã cực kì nhấn mạnh việc học ngôn ngữ mẹ đẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ những năm đầu đời.
Và cũng thông tin từ nước Anh, Thủ tướng không ký bất kì văn bản nào có sai phạm về câu từ, chính tả.
VẬY, BIỆN PHÁP NÀO ĐỂ LĨNH HỘI HIỆU QUẢ NÔI DUNG NÀY
Chỉ có cách chơi, hàng ngày, trong nhiều nhiều ngày, để tạo thành thói quen, phản ứng nhanh, thường trực cho các bạn nhỏ.
Ví dụ thế này: chủ đề – TỪ ĐỒNG NGHĨA
Chơi từ hoạt động sinh hoạt trong gia đình: “đăt cơm, cắm cơm, thổi cơm, nấu cơm cho mẹ nào”; ay tình huống bất ngờ: “Trời mưa rồi, mang xô/xách xô/lấy xô để hứng nước”. – bố mẹ chủ động sử dụng các loại từ khác nhau cho mỗi lần trao đổi.
Hoặc chủ động hơn, bố mẹ làm HỘP TỪ ĐỒNG NGHĨA. Trước khi đi ngủ, lần lượt mỗi người lấy một mật thư từ chiếc hộp. Mỗi một mật thư đươc viết 1 từ mang nghĩa cụ thể, hoặc có thể là hình ảnh, và tất cả mọi người đều phải đưa ra phương án của mình, ít nhất là 1. Ai thắng sẽ đươc yêu cầu truyện đọc hoặc trò chơi: tú lơ khơ, tam cúc, hoăc tích điểm, cuối tuần thưởng quà.
Còn mỗi ngày NHÓM KẾT NỐI SÁCH NHÀ MÌNH sẽ tung ra 1 chủ đề gợi ý, trong vòng 21 ngày, để cùng các gia đình xây dựng và tạo lập thói quen tương tác với con về nội dung này.
Xin được mở đầu hành trình #TIẾNG_VIỆT_CỦA_EM, với hình ảnh bộ TRUYỆN NGẮN HAY DÀNH CHO THIẾU NHI của các tác giả gạo cội nước nhà.
THÙY DƯƠNG