Bạn bị cuốn hút bởi tựa đề văn chương nào? Thú thực, tôi đã đi ngang qua Chuyện ngõ nghèo mặc dù Tác giả là Nhà văn tôi yêu thích. Nhưng tôi lập tức phải tìn đọc khi biết gốc gác của nó, với cái tên Trư cuồng.
Porcinomanie, là “nô nô ni ni”, là cơn điên lợn, là trư cuồng. Nhà nhà nuôi lợn, người người nói về lợn, lợn là sinh kế, là nguồn sống, từ dân nghèo tới tầng lớp trí thức tinh hoa, của cả một xã hội, một thời kì, những năm 80….
Phải đọc TIẾNG NGƯỜI TRONG VĂN, di cảo đo Nxb Phụ nữ phát hành, bạn mới thấy hết giá trị của tác phẩm. Tôi xin đưa ra lược trích, qua đó độc giả sẽ hiểu hơn quá trình thai nghén của tác phẩm này nhé:
“…. con người là một sinh vật tự do. Người ta cấm viết để sách không được in ra, chưa ai cấm khi sách không in. Viết để mà viết. Viết để thể hiện cái mình nghĩ. Sự nghĩ thì chắc không ai cấm nổi. Tôi nghĩ tức là tôi tồn tại. Chỉ có khi hết sự tồn tại mới hết sự nghĩ. Và khi đó mới thực sự hết sự viết. Vậy thì tôi sẽ viết. Viết để biểu hiện sự tồn tại….Cái tự đó bên ngoài cũng quan trọng, nhưng cái tự do bên trong mới là điều quan trọng hơn. Viết không cần in có khi lại có cái hay. Bởi vì người viết không bị câu thúc. Hắn hoàn toàn tự bộc lộ lòng mình. Hắn hoàn toàn tự do….
Thời giờ của tôi eo hẹp lắm. Tôi còn bận nuôi lợn, dịch sách, kiếm cơm. Tôi chỉ còn khoảng thởi gian lúc nửa đêm. Ngồi một mình trên gác xép ọp ẹp, bên ngọn đèn dầu mù mờ, tôi cặm cụi viết, thả hồ thả trí tưởng tượng, đồng hành cùng những con lợn ỉn, lợn bò, có lúc phiêu lãng vào xứ huyền thoại, có lúc lại lạc vào những bãi chết mất có lúc tôi đã thấy.
Thực thực hư hư, tôi trườn vào những giấc mơ lổn nhổn nào lợn, nào đồ tể. Tôi định kì này sẽ viết một cuốn tiểu thuyết thoải mái, sảng khoái, không theo những mô hình tư tưởng sẵn có. Có lúc sẽ rất tả thực. Có lúc nó sẽ ẩn dụ. Chắc những nhà phê bình khuôn phép sẽ hết sức bực bội”.
Chuyện ngõ nghèo, tên hiền lành hơn rất rất nhiều, rồi sau được gắn cho Trư cuồng. Ấn bản độ Nhã nam phát hành. Xin chia sẻ.
Trân trọng./.
THÙY DƯƠNG