BÓNG NẮNG NÚNG NẮNG và TIẾNG LÁ RƠI NGHIÊNG
Qua BÚP SEN XANH
Tuần lễ đọc Búp sen xanh _ bài 3
Có quá nhiều điều cảm và nhận được từ cuốn sách vốn được đóng đinh ở dòng Lãnh tụ. Nhưng không chỉ có thế! Sách nhà mình xin lần lượt đưa ra những cảm nhận của riêng mình.
______________
Cảnh sắc quê hương ở một góc độ hẹp hơn, cụ thể hơn, có thể là “Trại Sen, vì có nhiều đầm sen rộng bát ngát. Sen nhiều đến nỗi có những tên: Đồng Sen, Cồn Sen, Đầm Sen, Giếng Sen”, thêm “cảnh trí trong làng, ngoài đồng lại đẹp, nên Trai Sen đổi tên thành làng Mỹ Liên, sau các cụ lại đổi là Kim Liên. Hương sen thơm đượm khắp không gian, từ cánh đồng lúa, gốc đa sân đình hay chái bếp đều cảm nhận được “hương sen từ đầm bay theo gió”, vương vấn, quấn quýt lấy những người con đất sen trong mọi sinh hoạt thường ngày, và theo mãi những bước chân đi xa, một khung cảnh yên bình và đầy thương nhớ “Giữa đất trời khô cháy ao la, đầm sen như măt gương xanh làm dịu bầu nóng hạ. Những bông sen trắng, sen hồng đua sắc khoe màu với đàn ong đi kén mật”.
Đó cũng có thể là cảnh sắc quê nhà trong sớm mai “trước cái cảnh người đi xa, người ở lại: ”Sương sớm ám mái nhà. Tiếng chim cu gáy trên khóm tre làng xa văng vẳng. Nắng trải vàng rộm đồng quê. Bóng nắng núng nắng trước ngõ”.
Từ gợi cảnh hay cảnh gợi từ? “Núng nắng” có sẵn trong vốn từ tiếng việt, tác giả đem ra đặt vào khung cảnh này, hay chính cảnh sắc như tranh bên mái hiên nhà trước cảnh biệt ly đầy thương nhớ giữa nửa ở nửa đi, đã khiến tác giả bật ra một từ hợp nghĩa hợp cảnh đến thế!
Hay “Đêm sang canh. Tiếng lá rơi nghiêng xuống mái nhà phát ra môt âm thanh mỏng thiếc”. “Rơi nghiêng” và mỏng thiếc” cũng là những từ đặc sắc, gợi được cảm giác khẽ khàng, sẽ sẽ của lòng người đón nhận tin đỗ đạt cao sau cả đời đèn sách nhưng lại mất đi người con, người vợ và người mẹ sớm khuya tảo tần. Sự mất mát đó thật quá đỗi mênh mang!
Còn khi xa Huế, cũng là cảnh chia tay, nhưng thay vì sử dụng từ đặc sắc, tác giả lại sử dụng bút pháp đối xứng và câu đặc biệt, thể hiện sự dứt khoát, quyết liệt trong hành động của nhân vật “ Nắng. Một thứ nắng như từ biển dâng lên, tràn đầy. Gió. Môt loại gió nóng từ bên kia Trường Sơn tràn xuống, dữ dội. Nóng. Cái nóng như lửa bốc vây hãm cả bốn phía kinh đô. Mặt trời như môt cái vung lửa úp xuống Huế. Huế ngột ngạt”.
Biện pháp so sánh tiếp tục góp phần mô tả cảnh sắc ở vùng đất phương Nam “Nắng lại xối nóng xuống khắp mọi nơi. Con sông Sài Gòn khác nào giống quái vật đang trườn dưới nắng, mà cửa cảng là mồm của nó đang há hốc đợt nuốt mồi đưa tới”. Đến đây, hãy gắn với bối cảnh lịch sử của tác phẩm để hiểu hơn về hình ảnh ví von. Cảnh nước lầm than, bao nhiêu sản vât tự nhiên từ đồng bằng sông Cửu long, đều đưa về “quốc mẫu”, trong khi dân chúng đói khổ, cơ cực. Bởi thế khung cảnh dòng sông mới mang dáng vẻ dữ dằn.
Và đây, hình ảnh những con người cần lao, vẫn sáng ngời trong khốn khó “Út Huệ ngồi bên bậc cửa vá áo, đầu nghiêng nghiêng. Một giọt nắng lọt qua mái nhà thủng, đâu trên tóc và chảy sáng xuống gò má. Hai lọn tóc mai dài xuống quá đuôi mắt. Hai con mắt to, dài, đen láy ấp ủ một nỗi buồn sâu kín, cặp môi tươi như một cánh hoa nở dưới cái mũi doc dừa. Cả gương mặt Út Huệ như một hòn ngọc sáng”.
Rõ ràng, những áng văn hay, lời từ đẹp đã khiến cho không khí tác phẩm giãn ra, đẹp hơn, dễ đọc và dễ cảm. Tất cả đã làm nên một ấn tượng sâu sắc về một tác phẩm văn chương đích thực.
(Còn nữa)
Trân trọng./.
THÙY DƯƠNG