Dân Kinh tế có bỏ qua hai cuốn này?
Kinh tế, tài chính, ngoại thương, liên quan gì đến địa chính trị? Giờ là phải tập trung vào chuyên ngành!
Không biết tôi có nhìn thấy đúng suy nghĩ của các tân sinh viên hay không, nhưng tôi biết chắc, phần lớn, các bạn sẽ lướt qua những cuốn dạng này, và có thể sẽ tiến đến kệ sách bí quyết thành công, hoặc ngôn tình nào đó chẳng hạn. Thứ lỗi nếu tôi nói không trúng với bạn!
Nào, còn bây giờ, chúng quay trở lại với 2 cuốn sách của Tim Marshall, ký giả kiêm biên tập viên người Anh với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại, nhà bình luận khách mời về các sự kiện trên thế giới cho BBC, Sky News.
Với cuốn NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÍ, một là phiên bản đầy đủ(Nhã Nam) và một là phiên bản tranh (Kim Đồng), tác giả đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy VAI TRÒ THEN CHỐT của các nhân tố địa lý trong bối cảnh chính trị hiện đại, qua đó độc giả hiểu được móc xích chặt chẽ giữa kinh tế, chính trị, xã hội, địa lí. Ví như “đại gia đình Châu Âu” đói khát năng lượng, bị phụ thuộc vào những đường ống dẫn dầu từ Nga, và do đó, họ không có nhiều lựa chọn trên bàn đàm phán. Hay Hoa Kỳ, một mảnh đất vàng ai cũng thèm khát, đã phần nào tạo nên vị thế siêu cường về mọi mặt…
Sang cuốn Chia rẽ, bạn sẽ được lật lại các vấn đề Thế giới phẳng, một khái niệm rất mới hồi đầu những năm 2000 của tác giả Thomas L.Freidman phân tích vai trò của internet trong tác phẩm cùng tên, hay mới gần đây là vai trò của mạng xã hội. Liêụ cảm giác xoá nhoà tất cả ranh giới giữa các quốc gia có hiển hiện thật rõ ràng. Nhưng không, một lần nữa, cây bút sắc sảo và thực tế này đã chỉ ra những bức tường, những rào cản nảy sinh trong tâm trí, ở những nội dung mà chắc chắn, bạn, dân kinh tế, phải quan tâm.
Vậy đó, vừa có yếu tố địa lí hiện thực, vừa có các vấn đề phân tách trong tư duy, vậy nên các vấn đề của cuộc sống hiện đại không bao giờ hết phức tạp.
Hãy đọc, cảm nhận và cùng nhau chia sẻ nhé!
THÙY DƯƠNG