Âm nhạc cổ điển – Những mảnh ghép màu sắc

Không lạc điệu trong nhóm vì rất nhều tác phẩm văn học đã làm nên những bản nhạc diệu kỳ cho thế giới!

Trong hệ thống giáo dục của chúng ta, Âm nhạc thường được cho là môn năng khiếu, học trên lớp cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Học xong 3 cấp học các em cũng không thể đọc được một bản nhạc, hay biết hệ thống được các trường phái âm nhạc: nhạc cổ điển, nhạc dân tộc, nhạc đương đại (mà ngay có thể chính các nghệ sĩ trẻ hoặc những người tự nhận mình là nghệ sĩ hiện nay cũng hiểu sai).v.vv..

Ở một mặt khác, thời gian gần đây, nhiều gia đình đã nhận thấy tầm quan trọng về việc phải biết chơi một loại nhạc cụ để hội nhập, nên nhà nhà đi học đàn, đặc biệt là Piano. Tuy nhiên, những bạn được đi học cũng có khi không có mấy hiểu biết về lịch sử âm nhạc, sự khác nhau giữa các thể loại: tổ khúc, sonata, lied.v.v.v.Hay tiểu sử và hoàn cảnh sáng tác một tác phẩm là như thế nào! Nhưng tất nhiên, vẫn còn khá hơn bố mẹ chúng là chúng ta, hay những người chỉ biết chơi 1 bài đinh để thể hiện, là các bạn ý biết chơi một bản nhạc một cách bài bản, nếu có bản nhạc bày ra trước mắt. Đó cũng là sự tiến bộ đáng ghi nhận rồi!

Một góc khuất khác nữa mà mình đã viết bài Vui hay buồn từ hiệu ứng dội ngược, ấy là về mảng Âm nhạc dân tộc. Trong khi cả thế giới đón nhận và hạnh phúc lắng nghe thì bản thân mình lại chẳng được nghe, hoặc chủ động tìm nghe bao giờ…

Ai cũng biết rằng, âm nhạc có một sức mạnh diệu kỳ, hướng con người tới cái đẹp. Một em bé mà được nuôi dưỡng cùng với cả âm nhạc ngay từ trong bào thai, và trên từng bước trưởng thành sau này, tâm hồn con người ấy sẽ thánh thiện hơn, phong phú hơn, dễ cởi mở với cuộc sống và thế giới hơn.

Vậy thì làm sao để “xóa mù” mảng kiến thức quan trọng ấy? Sách và âm nhạc. Đọc sách đề hiểu, nghe nhạc để cảm và chiếu rọi những kiến thức được tiếp nhận từ những cuốn sách.

Cuốn ÂM NHẠC CỔ ĐIỂN – NHỮNG MẢNH GHÉP SẮC MÀU, mà Dự án vẫn hàng ngày trích đoạn, là một cuốn nhập môn cơ bản cho bất kỳ ai, không phải là dân chuyên nghiệp. Lối viết ngắn gon, học thuật nhưng dễ hiểu, được giải thích sinh động, trực quan, khiến người đọc dễ tiếp thu. Và đặc biệt, nhiều thuật ngữ chuyên môn được lặp đi lặp lại, khiến người đọc sau khi nhẩn nha hết cuốn sách, thì cũng thu nạp được một lượng kiến thức khá ổn. Ngoài ra, lại có những từ khóa để tìm đến với bản nhạc gốc, vừa nghe, vừa đọc, mới thấy mọi thứ sáng bừng, thấy bản nhạc thật hay….Chưa hết, một lượng lớn sách văn học: Nghìn lẻ một đêm, Romeo và Juliet..v.v.v..được dẫn dắt trên những trang sách, cho thấy mối quan hệ qua lại giữa các tác phẩm nghệ thuật thật gắn bó, tài tình.

Về mảng âm nhạc dân tộc, ngoài các tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Khê, mình chưa tìm được cuốn sách nào viết thật dễ hiểu, hấp dẫn để bắt đầu. Rất mong các bạn giới thiệu thêm!

Mình thì cho rằng, ở giai đoạn đầu, bố mẹ là chúng ta, những người có thể không biết gì về âm nhạc, đọc 2 cuốn đầu, và lần tìm những bản nhạc được giới thiệu trong đó, là đã có thể cùng con tạo ra những nền tảng ban đầu. Sau đó, nếu các con thực sự có năng khiếu, các con sẽ bứt phá và vượt xa chúng ta.

Cảm ơn Kim Đồng và tác giả Lê Ngọc Anh cùng nhóm NA9 đã viết và biên soạn cuốn sách đẹp và hay tuyệt vời này!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.