Mình đã từng có DẢI ĐẤT MIỀN THƯƠNG NHỚ – tập hợp các miền ký ức của các tác giả Việt Nam: Miền sương khói, Miền gái đẹp, Miền thơ ấu, Ủ một miền thơm, Miền hoang tưởng…
Vừa mới bố sung thêm hai miền là Rong chơi miền ký ức và Miền xanh thẳm. Trước tiên, MIỀN XANH THẲM, xin được chia sẻ với các bạn!
“Thời thơ ấu đã xa rồi, không bao giờ tôi còn được hưởng lại những ngày thần tiên ấy nữa. Những ngày ấy cứ xa vời xanh thẳm, hun hút bay về phương trời phía sau, tôi cố ngoái lại, cố nắm bắt mà không sao níu giữ lại được…”
262 trang hồi tưởng của Trần Hoài Dương trải ra những vùng đất thân thương, cũng là những miền đất gắn bó với tôi, chỉ khác Ông là ở thời điểm. Ghé về tuổi thơ của Nhà văn tầm tuổi Bố, tôi như gặp lại những gì là của mình, là mộng tưởng của mình và đang cố níu giữ điều gì đó, dù chỉ là nhỏ nhoi cho những đứa trẻ của mình!
Đó là Bắc Giang, vùng đất nhỏ bên dòng sông Thương hiền hòa “nước chảy đôi dòng”, “đã nuôi tôi suốt cả thời thơ ấu và niên thiếu, đem lại cho tôi lòng yêu con người, đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên với những cảnh sắc miền trung du đầy mê hoặc”. Những năm 52 ấy, khi mẹ tôi mới sinh, qua cuốn này, tôi biết, ngôi trường Ngô Sĩ Liên đã là ngôi trường lý tưởng từ thời Kháng chiến, cả thày cả trò cùng tự đắp nên những lớp học lợp tranh nứa và có khi mang vác bàn ghế từ trường cũ từ cách đấy 20 km, chỉ bằng sức người! Ở nơi đó, thày trò không chỉ trao dạy kiến thức mà còn chăm sóc, che chở trong từng bữa ăn, giấc ngủ, những đêm mưa.. Sau này, thời nhi đồng của tôi, cũng được học ngôi trường lịch sử ấy. Bắc Giang có Thư viện Tỉnh và Hiệu sách nhân dân từ thời đó, mà đến 40 năm sau, tôi vẫn có dịp chứng kiến, nhất là Hiệu sách, nhưng giá trị của nó thì chắc chắn không còn được như thời được mô tả sống động trên trang sách này. Là vùng đất Yên Thế với vùng đồi xanh rì cây cỏ, với những lăn lê hạnh phúc bất tận của trẻ thơ, mà phần nào tôi cũng được nghe trong những câu chuyện của mẹ…Đó là những trải nghiệm thật ngọt ngào, mà lứa tôi không có. Thế nên, đối với các con, tôi rất cố gắng để cho con có đôi chút hơi thở của triền đê, của dòng sông, hay những buổi đổ dế…một chút gì đó của những cậu Thiện, cậu Bảo..v.v.trong cuốn truyện này!
Đó là Hà Nội, một Hà nội “mang lại cho tôi ánh sáng của học thức, trí tuệ, nét tài hoa, tâm hồn tinh tế, lịch lãm….” Mạch cảm xúc về Hà nội rất đỗi tự nhiên và rất Hà Nội, chậm chậm, man mác nhưng đẹp đến nao lòng! Về cái nghèo nghèo của những tiểu tư sản, gia đình lao động Hà nội những năm 55-60; về những cảnh sắc Bờ Hồ, hàng cây cơm nguội “óng vàng” trên con phố Lý Thường Kiệt, dãy bàng tầng tầng lớp lớp tán ở phố Tràng thi, là gốc liễu thướt tha bên bờ hồ Tây “mờ mịt hơi nước” mà “trời nước hòa nhau không phân biệt giới hạn”, là thoáng bóng sâm cầm “một vẻ đẹp của Hà Nội nghìn xưa” .v.v..tất cả đều sao quá thân thương, gần gũi, mặc dù, có cái còn, có cái đã mất, kể cả thời ấy, cho đến mãi bây giờ!
MIỀN XANH THẲM
Không chỉ của riêng ai.
Hà Nội ngày 21.4.2020
THÙY DƯƠNG