Trong tôi – và những người bạn rất Hà Nội của tôi!
Mùa thu, đã biết rồi, ban nhiều đặc ân cho Hà Nội! Từ tiết trời lãng đãng nắng và gió nhẹ, rất thơ, vẫn còn nét phảng phất như những lời thơ của Nguyễn Đình Thi theo trí nhớ gần 30 năm nay của người viết ở thế hệ đầu 8x:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Đến những áng văn thơ, hẳn ai cũng nhận thấy Hà Nội cũng được các thi nhân mặc khách ưu ái dành nhiều tâm huyết hơn cả. Nào, cùng điểm lại các tác phẩm theo dòng thời gian một chút, để tự lý giải tình yêu tha thiết với mảnh đất này nhé!
Hà Nội một thời vàng son qua những vần thơ của Bà Huyện Thanh Quan, mang hồn cốt lâu đài cổ của một hậu duệ già nhà Lê qua con mắt của vị Bác sỹ Quân y Hocquard trong MỘT CHIẾN DỊCH Ở BẮC KỲ – bản Đông A:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Thành cũ lâu đài bóng tịch dương”
Đến thời kỳ thuộc Pháp, qua XỨ ĐÔNG DƯƠNG của vị Toàn quyền Paul Dumer, hay MỆNH GIỜI BẮT THẾ của vị Hoàng thân Henri de Monpezat, Hà Nội khoác một chiếc áo mới với khu phố Tây, những tòa biệt thự và tòa công sự kiểu Pháp, những cây cầu, những trục đường lớn, bắt đầu từ trục Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi rồi Điện Biên Phủ bây giờ, con đường huyết mạch mang tính quân sự thời đó, nối liên khu nhượng bộ với trung tâm Thành, đến những Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt (tất nhiên tên hồi đó không phải như vậy, nhưng do thời gian và trí nhớ có hạn, tạm để tên hiện thời). Có người nói, Hà Nội thời đó như một Paris thu nhỏ, cũng đúng thôi, vì những người “đem văn mình đi khai phá” ấy, hòng biến Hà Nội thành trung tâm của Liên bang Đông Dương thời bấy giờ.
Thế nhưng, trong một cái áo khoác mới, khiến Hà Nội trở nên “phổng phao” hơn, “có da có thịt” hơn, thì trong lòng Hà nội, những tâm hồn Hà nội lại nhuốm màu hoài niệm về những gì thuộc về nét tinh hoa Hà Nội, đang dần mai một đi, kể từ hồi đó nhé, chứ không phải đến giờ.
Hẳn bạn không thể quên những lời tha thiết của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai:
“Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta mới bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch dương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi hoa lan tây….bây giờ ra thế nào”
Hay những áng văn VANG BÓNG MỘT THỜI của Nguyễn Tuân, HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG của Thạch Lam, hay HÀ NỘI TRONG CƠN LỐC của Vũ Bằng, với những món ăn, thú chơi rất Hà Nội: bánh cuốn Thanh Trì, phở, chơi chim, thưởng trà…
Tuyệt hơn nữa là âm thanh đường phố của Hà nội, nét đặc trưng riêng có nơi đây, đã được những người Thầy Pháp lắng nghe, và đưa ra dự án đầy tâm huyết với các sinh viên người bản địa, đó là những Tô Ngọc Vân, Lê Phố..v.v.v.để giờ đây chúng ta có HÀNG RONG VÀ TIẾNG RAO HÀ NỘI, một món quà Hà nội có tranh, ảnh, tiếng rao được phổ nhạc, mở sách là lanh lảnh tiếng rao quen thuộc từ thuở nào:
” Se ….sấu.!”
Sau Vũ Bằng, Thạch Lam hay Nguyễn Tuân, các cây bút về Hà Nội có thể kể đến là Băng Sơn với câu văn rất đẹp về hoa sưa ” Ai mang tuyết phủ trắng trời Hà Nội”, rồi Nguyễn Ngọc Tiến với ĐI DỌC – ĐI NGANG – ĐI XUYÊN HÀ NỘI, cho thấy Hà Nội một thời với những công tử như Bạch Thái Bưởi rước dâu bằng trực thăng, những mẹ của Ái Vân, Ái Liên hoa khôi một thời.v.v.v., hay ngòi bút Đỗ Phổ với RONG CHƠI MIỀN KÝ ỨC, NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH với Hà Nội….
Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, có thể kết lại chùm cảm xúc này bằng KÝ ỨC HÀ NỘI của Nhóm KÝ HỌA HÀ NỘI. Mỗi trang sách là mỗi góc Hà Nội, là cả Hà Nội, rất Hà Nội, dành cho tất cả mọi người!
Một Hà Nội đong đầy yêu thương!
THÙY DƯƠNG