Dòng chảy Lịch sử dân tộc mênh mang hơn thường thấy!
Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú khi lần giở những trang sách này. Vì thế giới những con chữ đó không chỉ là những cột mốc, các sự kiện lịch sử từng được học, được nghe, hoặc giống như thế; mà nó còn mở ra cả một thời kỳ cụ thể của dân tộc, ở đó không chỉ có những ông vua, vị tướng, mà còn là những con người trong cuộc đời thực.
Nét mới mẻ đó khiến dòng chảy lịch sử mềm mại hơn, sống động hơn, mà chính là rộng lớn hơn, dễ nhớ hơn rất nhiều.
Chẳng hạn thế này nhé, thời kỳ Con rồng cháu Tiên, không chỉ có Vua Hùng dựng nước Văn Lang, mà còn có Trầu Cau, Thánh Gióng, sự tích Bánh chưng bánh dày….
Hay thời Lý, có Lý Công Uẩn, có Thiền sư – Quốc sư Vạn Hạnh .v.v.v.và cũng có cả Chùa Một Cột – giấc mơ ngàn năm tuổi, có nàng Trí Cao với mưu đồ cát cứ bất thành, có Nghệ thuật thời Lý – từ kiến trúc cung đình đến sân khấu rối nước.v.v.v.v.
Hoặc thời nhà Nguyễn, ngoài những vị vua, những sự kiện khắc cốt ghi tâm, còn có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hào khí miền Tây, Loạn Chày Vôi, Nhất gia tam kiệt.v.v.v.
Sự góp mặt của những con người xuất chúng, thậm chí chỉ là người bình thường trong mỗi thời kỳ, rõ ràng khiến các giai đoạn lịch sử trở nên sinh động hơn, người đọc như vén được màn bí mật của hàng ngàn năm lịch sử!
Chân thành cảm ơn Nhóm tác giả đã làm việc hết sức nghiêm túc và tâm huyết, để kể một sách rất “Sử ta”
“Sử ta”, đó là cách nói của Bác Hồ trong câu thơ nổi tiếng “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
“Sử ta”, đó là chữ dùng của học giả Nguyễn Văn Tố, nhà sử học đồng thời là nhà văn hóa lớn đầu thế kỉ XX, tác giả của công trình sử học đày tự hào: Sử ta so với Sử Tàu.
“Sử ta”, đó cũng là điều Nhóm tác giả muốn kể với độc giả. Và chúng tôi đã nghe thấy, nhận thấy nét riêng ấy.
THÙY DƯƠNG