Từ Dụ Thái Hậu

Trong chuyến đi An Giang đợt tháng 6 vừa rồi, mình rất ấn tượng với dòng Thoại Hà, đền bà Chúa Xứ – gắn liền với tướng công Nguyễn Văn Thoại tài giỏi, chính trực cùng phu nhân Châu Thị Tế nổi tiếng nhân hậu, đảm đang! Ấp ủ viết một điều gì đó về vùng đất này mà chưa có mạch….

Rồi, khi đọc Từ Dụ Thái Hậu, mình bỗng như được gặp lại Ông, qua đúng 1 chi tiết mô tả Đức Ông Lê Văn Duyệt. Thấy bắt đầu có sự kết nối sinh động, khiến mình hiểu rõ hơn về nhà Nguyễn, và chắc chắn, từ đây, sẽ không bao giờ quên!

Lê Văn Duyệt là người đã lăn lộn với Nguyễn Ánh, sau là hoàng đế Gia Long, từ thuở “nằm gai nếm mật”. Chính vì vậy, Lê Văn Duyệt cùng với Phạm Đăng Hưng chính là 2 vị được vua Gia Long gửi gắm trợ giúp cho vị vua kế nhiệm – Minh Mạng – con thứ của vua Gia Long với Nhị phi Trần Thị Đang – khi lên ngôi.

Dưới thời vua Minh Mạng, Lê Văn Duyệt công có, tội có, và kết thúc bằng bản án tru di tam tộc thảm khốc. Công là dẹp yên giặc cỏ, mở mang bờ cõi, thông thương vùng miền, Nguyễn Văn Thoại là một nhân vật lịch sử trong giai đoạn này, bối cảnh đó; tội là giỏi hơn vua, mạnh hơn vua, khảng khái khí chất, có con trai nuôi Lê Văn Khôi đã nổi dậy, làm phản, chống lại triều đình, nhằm giữ lại công trạng cho dòng dọ Lê. Lê Văn Khôi có vợ là công chúa Ngọc Ngôn bị ngớ ngẩn của Gia Long với Tam phi Ngọc Bình. Khi bị giải về kinh, công chúa Ngọc Ngôn tay ẵm ngửa đứa con đỏ hỏn. Đứa con đó, bằng mọi giá, phải được bảo vệ, và nó xuyên suôt trong hành động của tuyến nhân vật chính được đề cập trong cuốn tiểu thuyết rất đời này.

Trong khi đó, Phạm Văn Hưng là ai, là người tri kỷ của Đức ông Lê Văn Duyệt, là người chính trực, khảng khái nhất trong những người khảng khái, chính trực! Vì vậy, trước khi qua đời, Ông chỉ trăn trối lại 2 điều cho con gái, khi đó mới là Vợ cả của Hoàng Tử Miên Tông – sau là vua Thiệu Trị, tại vị có 7 năm. Một là bằng mọi cách phải bảo vệ được giọt máu của dòng họ Lê; hai là cái chết và kết cục của vợ con hoàng tử Cảnh – con đầu của vua Gia long với hoàng hậu Tống Thị Lan là oan ức, là không đúng.

Nhân vật chính là Từ Dụ Thái hậu, chính là người con gái yêu Phạm Thị Hằng của Phạm Đăng Hưng, được nêu ở trên. Sau này, khi vua Thiệu Trị mất đi, truyền ngôi lại cho Hồng Nhậm – tức Tự Đức, Bà trở thành Thái Hậu – một Thái hậu nhân từ, tài đức vẹn toàn; vào cung từ năm 13 tuổi, và trải qua không biết bao tủi nhục, đắng cay…

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng hình ảnh của cô bé Hằng hồi còn nhỏ, kết thúc cũng là nhân vật ấy khi gửi gắm đại sự lại cho người tin cẩn, rút hẳn về phía sau! Còn nhân vật Trần Thị Đang, đối với tôi, không có gì nổi bật, đầy những mưu mô, tham quyền lực, không khác gì các nhân vật lịch sử Trung Hoa, không có nét gì đặc sắc.

Một cuốn tiểu thuyết lịch sử Việt đáng đọc! Hãy đọc để khác ghi lịch sử, đọc để thấy tình yêu đích thực trong thời nào cũng thế, mãnh liệt vô cùng!

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.