Đây là chủ đề mà Kết nối Sách nhà mình _ Tài chính học trò đã đưa ra trong đợt đầu tháng 7, nhận được hai bài chia sẻ và sự theo dõi của rất nhiều các thành viên. Đa số đều có chung nhận định, giống như quan điểm của Tài chính học trò số 4 đưa ra:
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.
Dù trẻ em hay người lớn thì chúng ta đều có thể tìm ra cách kiếm tiền phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. Ngoài làm việc nhà thể hiện TRÁCH NHIỆM của em đối với gia đình theo từng độ tuổi (như là tự dọn phòng mình, lau bàn học, dọn đồ cá nhân….), các em có thể kiếm tiền bằng cách làm thuê (trong hoặc ngoài gia đình như giao hàng, gia sư, trông trẻ, chăm thú cưng…), tự kinh doanh tự làm đồ thủ công hoặc lám bánh hay vẽ tranh để bán.
Cụ thể, mỗi khi nghỉ hè, em có thể nhận bán tranh cho một người quen để thực hành kỹ năng bán hàng và có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài. Em cũng có thể thực hiện ý tưởng kinh doanh nước ép giảm cân, bán cho cô bác hàng xóm hay đồng nghiệp của mẹ để tận dụng máy ép trái cây của nhà mình” (trang 11)
Hay như câu chuyện của Người Do Thái, họ thường cho con tham gia vào công việc bán hàng cùng gia đình từ bé, để xây dựng và hình thành tư duy về quản lý tiền bạc từ rất sớm, một cách tự nhiên. Đó là những công việc NGOÀI phần trách nhiệm chung với gia đình, thì việc trả công cho trẻ ở những phần việc ấy là nên.
Còn đối với cá nhân tôi, hồi bé, không có làm gì hết ngoài học, làm việc nhà, có chăng là cũng lũ học trò của bố mẹ đi vơ lá về nấu bếp. Vậy thôi, nhưng với các bạn nhà tôi bây giờ, một bạn lớp 3 lên 4, một bạn lớp 5 lên 6, các bạn rất thích và sẵn sàng xếp sách, dán phong bao để bố mẹ gói bọc sách. Cả nhà cùng làm, rất vui. Và với hoạt động này, tôi có gửi cho các bạn phần tiền 10.000đ một tuần. Với số tiền đó, các bạn nên phải chia thành các quỹ, nhưng hiện giờ, mới chỉ đến mức độ, thỉnh thoảng mua kem, mua quà cho bố mẹ ông bà.
Để các bạn tự giác phân thành các quỹ ngắn hạn, dài hạn, ngoài việc cung cấp kiến thức, làm gương, còn phải đợi “điểm rơi” của các bạn ý, chứ không phải muốn là được.
Và quan trọng là, thái độ tiếp nhận và sử dụng đồng tiền cho đúng, đấy mới là việc cần đồng hành của các gia đình và các chuyên gia.
Các gia đình có đồng ý vậy không?
Trân trọng./.
THÙY DƯƠNG