Tâm cảnh: Tình yêu hay sự cuồng tín?

Cuốn tiểu thuyết hay nhất của Maurois và cũng là một trong những truyện tình tinh tế nhất của văn học Pháp.

Cuốn tiểu thuyết đi sâu vào khai phá tâm tư của con người, với đầy những suy tưởng sâu kín về khoái cảm vui sướng, đau khổ, ảo tưởng, thất vọng trong tình yêu.

Nguyên tác Climats (1928) của André Maurois (1885 – 1967) nhà văn, giáo sư triết học, viện sĩ viện hàn lâm Pháp, danh sĩ lớn của Pháp và thế giới.

Hồi André Maurois mất, cuối năm 1967, thọ 82 tuổi, một bạn đồng viện của ông khen ông đại ý như sau :
“André Maurois phân biệt ba hạng tác phẩm : trác tuyệt, lớn và hữu ích. Không một tác phẩm nào của ông vào hàng trác tuyệt nhưng toàn thể tác phẩm của ông quả là trác tuyệt”.

Tâm cảnh được viết bởi tác giả André Maurois, xuất bản lần đầu tiên năm 1928 tại Pháp. Tác phẩm được chia thành hai phần, thể hiện dưới hình thức hai bức thư.

Bức thư thứ nhất của Philippe Marcenat gửi Isabelle de Cheverny, là giãi bày tâm sự của chàng trai trẻ Philippe về câu chuyện tình yêu của chàng với cô gái xinh đẹp Odile. Bức thư thứ hai, lại là lời tự thuật về tình yêu của Isabelle viết tặng Philippe.

Odile dưới góc nhìn của Philippe thật giống như lời thú nhận của chàng trai trong tiểu thuyết Những đêm trắng của Dostoyevsky: “Tôi không yêu ai cả, tôi chỉ yêu cái ý tưởng, yêu cái người gặp ở trong mơ”. Hai lần chàng yêu, chàng đều tự tạo dựng cho mình những hình tượng người yêu lý tưởng mà chàng tha thiết. Khoái cảm hạnh phúc, đau thương của chàng đều khởi nguồn từ ấy mà thành.

Với Odile, chàng xem nàng là nữ hoàng của sắc đẹp và sự dịu dàng thơ mộng. Odile như bước ra từ trong cõi mộng, nửa hư nửa thực. Ấy là hình ảnh Odile của chàng, do chàng tạo dựng.
Còn riêng nàng Odile, nàng cũng có những “mặt xấu”, những mệt mỏi, chán nản, những vòng vo, giấu giếm. Nàng cũng chỉ là một con người như bao người thường ấy thôi.

Nhưng Philippe chưa khi nào chấp nhận điều ấy, dù trong lúc tha thiết yêu nàng, trong lúc tin rằng có thể tha thứ cho nàng vì đã phản bội, Philippe vẫn không nhìn nhận nàng như sự hiện hữu thực sự của nàng. Philippe vẫn ôm khư khư lấy hình ảnh Odile hoàn hảo mà chàng đã tạo nên bằng chính ảo giác của mình.

Thế nên cuộc hôn nhân của hai người thất bại, bởi vì chàng, vì chàng chỉ biết yêu người trong mộng của chàng thôi. Chàng không đủ sức để chấp nhận người phụ nữ “bình thường” đang trong căn phòng cùng chàng. Chàng cũng không dám phản biện nàng, giũ bỏ nàng. Cứ như thế, trái tim chàng chết lặng trong chính sự giằng xé, tuyệt vọng, cho đến khi chính Odile chủ động bỏ chàng.

Đến giây phút ấy, tâm trí của Philippe thực tế cũng vẫn rối bời, yêu và hận quấn lấy nhau, như một dây bện chắc chắn, không thể tách rời.

Phần sau được tái hiện bằng giọng kể của Isabelle trong cuộc hôn nhân thứ hai, giữa Philippe và Isabele.

Đối với Isabelle, chàng đã yêu, chàng cũng tin rằng đó là bà hoàng trong mộng của mình. Nhưng ký ức về Odile đã dệt nên trong chàng một hình ảnh không thể nào lay động. Chàng áp đặt mọi vết dấu của Odile lên người vợ mới, chàng bày biện cuộc đời chàng với người vợ mới, như giấc mộng đang dang dở giữa chàng và Odile.

Không ai hạnh phúc trong Tâm cảnh. Họ luẩn quẩn trong cái vòng tròn tâm lý của chính mình. Tình yêu của họ tựa như trò chơi, dẫn dắt xoay vòng và cuối cùng là bi kịch. Không có mảnh nào trùng khít với nhau, họ yêu nhau sâu đậm, nhưng họ luôn chệch khỏi nhau trong quỹ đạo chênh vênh của hạnh phúc.

Trong phần thứ nhất, André Maurois khai phá sự tra tấn về mặt tâm hồn của Philippe được gây nên bởi Odile. Ở đây, Philippe yêu Odile như kẻ cuồng tín.

Trong phần thứ hai, Isabelle bị tình yêu tra tấn và hành hạ, trong những cơn ghen tuông, ích kỉ, yếu đuối, cô độc, khi chứng kiến chồng mình yêu người đàn bà khác. Nàng chịu đựng chuyện đó, như Philippe từng chịu đựng Odile, bởi ở đây nàng là kẻ cuồng tín.

Dùng hình thức viết thư tự thuật, tác giả đã để nhân vật tự mình giãi bày những kín đáo, bí ẩn nhất của nhân vật mà người khác không thể nhìn thấu được. Nhân vật kể chuyện tác giả hoàn toàn được ẩn đi. Ấy cũng là điều tạo nên chất tâm lý đặc sắc cho cuốn tiểu thuyết.

Tâm cảnh cứ thế dần khép chặt nhân vật vào trong thế giới nội tâm đầy bí ẩn, đi vào ngõ ngách và soi chiếu nó. Bằng ngòi bút văn chương đầy mê hoặc, uyển chuyển, André Maurois đã thành công khi lột tả được nỗi bất hạnh của con người trong tình yêu. Tài năng miêu tả tâm lý nhân vật trong Tâm cảnh của André Maurois có thể so sánh với Gustave Flaubert ở Bà Bovary, Lev Tolstoy ở Anna Karenina, với những khai phá tâm lý sắc sảo và đầy bi ai về thế giới tâm tư của con người.

Những câu hỏi muôn đời của loài người như yêu là gì? Yêu như thế nào là đúng, mãi mãi chúng ta không thể trả lời được, nhưng với Tâm cảnh, ít nhất độc giả có thể tự cho mình những kiến giải chính đáng về bản chất của con người trong tình yêu.

André Maurois để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, nghiên cứu, khảo luận, đến tiểu sử. Trong đó, ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử văn nghệ sĩ như Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Ivan Turgenev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust… André Maurois được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1938.

THỦY NGUYỆT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.