Võ Quảng – Một đời thơ văn

Có một sự thật là, tôi không hề có tên Võ Quảng trong tiềm thức, không giống như là các Nhà văn Việt Nam lão làng khác: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Phong Thu, Vũ Tú Nam.v.v.v..

Nhưng lại thuộc lòng những đoạn thế này:
“Chợt con gà trống ở phía nhà bếp nổi gáy. Tiếng nó lanh lảnh. Tôi biết đó là con gà của anh Bốn Linh. Con gà này có bộ lông mã tía, cổ bạnh, mào hạt dâu. Tiếng nó dõng dạc nhất xóm. Nó thường làm tôi chú ý. Nó nhón chân, bước từng bước oai vệ, ức ưỡn ra đằng trước. Nó có gan nhẩy lên lưng trâu Bĩnh, vỗ cánh phành phạch rồi gáy như thét vào tai trâu. Bị chó Vện đuổi, nó bỏ chạy. Đột ngột, nó quay lại nện cho chó Vận một đá vào đầu, rồi nhảy phóc lên cổng chuồng trâu đứng nhìn xuống vẻ phớt lờ”

Hay
“Ai dậy sớm
Bước ra vườn
Có vừng đông
Đang chào đón”

Hoặc từ thơ bé đến bây giờ chơi với các con, không thể thiếu:
“Cốc, cốc, cốc!
– Ai gọi đó
– Tôi là Thỏ
– Nếu là Thỏ
– Cho xem tai
Cốc, cốc, cốc
– Ai gọi đó
– Tôi là Nai
– Nếu là Nai
– Cho xem gạc”

Những vần thơ và câu chữ vô cùng trong trẻo, giàu hình ảnh ấy, một cách vô thức, nằm lòng trong tôi tự ấu thơ cho tới tận bây giờ. Ấy thế nhưng, chỉ đến khi Kim Đồng ra rất nhiều sách mang tên Võ Quảng: Ai dậy sớm, Những truyện ngắn hay viết cho Thiếu nhi – Võ Quảng, Quê Nội, Truyện Đồng thoại Võ Quảng, rồi Võ Quảng – một đời thơ văn, tôi mới biết mình đang đứng dưới một tán đại thụ, với rất nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng xanh tốt và trùm bóng mát tới thế hệ mai sau!

Võ Quảng – Thơ
Võ Quảng – Văn xuôi
Võ Quảng – Kịch bản phim hoạt hình
Võ Quảng – Dịch
Võ Quảng – Lí luận phê bình
Võ Quảng – Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng
Võ Quảng – Giám đốc xưởng phim Hoạt hình Việt nam

Về thơ Võ Quảng: Gà Mái Hoa, Mầm non, Mời vào, Con bê lông vàng, Chị chổi tre, Lộc với Sương, Chú Chẫu chàng.vv.v., thơ mà như một câu chuyện, có thắt có mở, lại hiển hiện sống động với hình ảnh, âm thanh, khiến bạn nhỏ nào cũng mê tít và dễ thuộc làu làu…75 bài thơ được trích dẫn trong cuốn sách này liệu đã phải hết các sáng tác thơ của Ông? Nhưng điểm chung là đều viết cho Thiếu nhi. Như độc giả và các nhà chuyên môn đánh giá “Ông đã dành những gì tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất” cho đối tượng độc giả đặc biệt này.

Về văn xuôi, tôi đặc biệt ấn tượng về những chủ đề vô cùng mới, chưa gặp ở đâu (văn học lẫn lịch sử), như tiểu thuyết Kinh tuyến và Vỹ tuyến với những “đồng chí Việt Nam mới”, hay những “sai lầm một thời” được đề cập và hóa giải một cách rất nhân văn trong Cái lỗ cửa…

Về phê bình lý luận , những nội dung Ông đề cập tới cũng thể hiện một nỗi lòng đau đáu dành cho Thiếu nhi: Về sách viết cho thiếu nhi, Về người đọc sách viết cho thiếu nhi, Truyện đồng thoại cho thiếu nhi.vv.v..Những nội dung Ông viết hoàn toàn có thể đứng thành một chủ đề, chuyên mục độc lập cho các NXB, tác giả, dự án sách học hỏi và định hướng hoạt động.

Về tác phẩm dịch, chắc chắn tôi sẽ tìm những tác phẩm dịch của Ông để thưởng thức: Hiệp sĩ Don Quixote, Robin Hood – Hiệp sỹ rừng Serwood.v.v.v.

Về đơn vị nơi Ông làm tổng biên tập đầu tiên, cho đến giờ, vẫn luôn xứng đáng là người anh cả trong làng xuất bản sách dành cho Thiếu nhi, với vai trò định hướng về nội dung, lại không ngừng đổi mới hình thức! Việc xuất bản những ấn phẩm hay, theo chuyên đề kết hợp với các hoạt động rõ ràng, như dịp kỉ niệm 100 năm Ngày sinh Võ Quảng này, đã cho thấy lòng TRI ÂN của đội ngũ nhà Kim thời điểm hiện tại với các tác giả, với những người tiên phong
Đó là việc làm đáng trân trọng!

Và giờ đây, qua những hoạt động truyền thông đó, đặc biệt là với bộ ấn phẩm đẹp đẽ này của Võ Quảng, tôi, và chắc chắn là nhiều độc giả khác nữa, lại có thêm một dấu son trong ký ức – Một Tác giả hồn hậu xứ Quảng của văn đàn Việt Nam!

Trân trọng./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.