Giờ ăn sáng

Bạn hay có bữa sáng ở nhà hay ở hàng quán, một mình hay cùng cả gia đình? Sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, sở thích và thói quen của từng gia đình, cách thức tốt nhất sẽ là cách dung hoà được tất cả các tiêu chí của bạn.

Ở bài viết này, Dư án muốn đưa ra một nội dung nho nhỏ: Bạn thấy gì trong 15p ăn sáng tại một cửa hàng gần trường Mầm non, Tiểu học?

KHUNG CẢNH CHUNG

Một nhóm là, những đứa trẻ còn ngái ngủ, uể oải tha cái cặp vào hàng ăn, việc gọi đồ là của bố mẹ, thậm chí là cả việc đút cho ăn. Mầm non có, Tiểu học có.

Nhóm khác là, khóc lóc, mè nheo về đủ mọi vấn đề, giải pháp cuối cùng là vừa xem điện thoại vừa được bón ăn. Miệng nhai một cách vô thức.

Nhóm nữa là bạn nhỏ vô cùng thụ động, rụt rè, mặc dù được bố mẹ thả vào trước để gọi đồ(cho nhanh), nhưng không dám. Sau đó là màn mắng mỏ lẫn nhau, ăn trong nước mắt.

Cũng lại không hiếm cảnh con tự ăn nhưng một cách lơ đễnh, trong khi mẹ cắm cúi điện thoại, lướt và lướt, thỉnh thoảng cũng lơ đễnh nhìn con ăn.

Nhưng có bạn rất đàng hoàng, chủ động tự gọi đồ, tự lo cho mình và những người đi cùng, như bố, mẹ, em. Thỉnh thoảng có trao đổi nhẹ nhàng với gia đình.

BẠN THẤY VẤN ĐỀ CỦA CÁC NHÓM LÀ GÌ?

Nhóm 1:

Bọn nhỏ thiếu ngủ quá, hoặc/và không có sự vận động thể chất trước khi vào bàn ăn.

Giải pháp cho nhóm này là: cần phải đi ngủ sớm và tập thể dục buổi sáng.

Có lẽ phải gạt ngay các lý do không đủ thời gian làm bài! Nếu con không ngừng học trước 9h, có nghĩa là cần xử lý tiếp các công việc khác: cách học, kỹ năng xử lý vấn đề, công việc nhà.v.v.v.

Nhóm 2:

Bạn nhỏ không được đối xử như những cá thể độc lập từ bé, hay nói đơn giản là được chăm bẵm cưng chiều quá đà, vô tình bị mất đi khả năng tự phục vụ bản thân. Thay vào đó là thói quen đòi gì được đấy. Bố mẹ quá mệt mỏi với những màn mè nhèo thành thần này, nên tặc lưỡi đưa cứu cánh là chiếc smart phone cho đứa trẻ, mặc dù có thể họ biết là không tốt.

Cần phải thay đổi ngay. Bắt đầu từ bố mẹ. Hãy đọc cuốn Nói_sao_cho_trẻ_chịu_nghe và Nghe_sao_cho_trẻ_chịu_nói, và hãy bắt tay vào thực hành ngay, đừng chậm trễ.

Nhóm 3:

Con còn rụt rè, vậy thì hãy nắm tay nhau cùng vào cửa hàng và cùng gọi đồ thôi nhỉ. Từ tốn, nhẹ nhàng, đúng phong cách của bạn ấy. Dần dần rồi chuyển giao vai trò, con sẽ gọi đồ, không cần bố mẹ nữa đâu. Và trong lúc đợi đồ mang ra, là những câu chuyện nho nhỏ, hay những nội dung học cần lưu ý mà tối qua chưa kịp trao đổi.

Thời gian vốn quý báu, hãy tranh thủ tận dụng những giây phút hiếm hoi đầu giờ sáng để nói lời yêu thương.

Nhóm 4:

Cả mẹ cả con đều lơ đễnh, không quan tâm đến nhau.

Ở nhóm này, người mẹ phải thay đổi trước. Cần xem xét việc cầm điện thoại có thực sự cần thiết, để giải quyết công việc, hay chỉ đơn thuần là thói quen.

Mặc dù con tự động ăn uống, điều này là tốt, nhưng ăn theo lối vô hồn thì cũng không tác dụng. Người con này cần sự quan tâm, thủ thỉ từ phía bố mẹ, chứ không chỉ đơn thuần là từ miếng ăn để no bụng.

Nhóm 5:

Các con chủ động trong công việc, nghĩa là các bạn ấy được rèn luyện và thực hành thường xuyên, và từ sớm. Thựa ra, ngay từ khi bé tập ăn dặm, bé đã hoàn toàn có thể tự xử lý việc ăn của mình rồi. Ăn bốc, rồi sau đó là xúc thìa, đến tầm 4 tuổi đã có thể dùng đũa. Đó là những việc bé học được trong quá trình lớn của chính mình. Thật đáng tiếc nếu bị tước đi cái quyền này.

Trong các bộ sách Ehon và các bộ Kỹ năng vàng hay Nuôi dạy con, đều nhấn mạnh về việc xây dựng ý thức chủ động cho con trong mọi công việc.

Ở nhóm này, bố mẹ rảnh rang hơn, lại cần phải quan sát và điều chỉnh những hành vi khác còn chưa đúng đắn của con nếu có. Ví dụ nho nhỏ thế này, không biết chuẩn bị đồ cho người thân, chen lấn xô đẩy người ngoài, vứt rác không đúng chỗ.v.v.v.

Bạn có nghĩ vậy không?

Xin được chia sẻ./.

THÙY DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.